Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế

Hồng Sơn| 19/08/2020 06:35

(HNM) - Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Với vị trí địa lý cũng như vị thế chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội tiếp tục hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững; giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, có khả năng dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Sản xuất hàng điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

Vị thế xứng tầm

Dù chỉ chiếm 21,2% diện tích, 41,7% về dân số, nhưng Hà Nội đã đóng góp 51,1% về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), 54,1% về thu ngân sách, 20,3% về xuất khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nội cũng đóng góp khoảng 16,5% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, Hà Nội luôn khẳng định vai trò, vị thế, động lực phát triển kinh tế của khu vực nhờ sự tăng trưởng cao, liên tục ở nhiều lĩnh vực, như công nghiệp, thương mại, đầu tư... Trong đó, trung bình 4 năm, từ 2016 đến 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp là 8,16%; dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 8,3%. Hà Nội đã có một số ngành sản xuất quan trọng, ứng dụng công nghệ cao, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano… Đặc biệt, doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 100.000 đơn vị, là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Phát huy vai trò của một trung tâm thương mại, Hà Nội luôn bảo đảm sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận. Theo số liệu của Sở Công Thương, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã phối hợp tổ chức hơn 100 cuộc giao thương kết nối giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Hà Nội ký kết trên 5.000 biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng; đồng thời tìm kiếm những cơ hội tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội tại các địa phương khác…   

Hướng tới tương lai

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các vùng kinh tế trọng điểm cuối tháng 5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân trong giai đoạn 2011-2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%/năm. Thủ tướng cũng nêu rõ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với trọng tâm là "tam giác phát triển" gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics, nông nghiệp công nghệ cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Để phát huy vai trò đầu tàu, hướng tới tương lai, Hà Nội luôn chủ động tìm kiếm cơ hội, giải pháp để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Đây cũng là những nội dung đã được cụ thể hóa trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2025 là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... Hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ số, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế...; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao... Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, các ngành tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh…

Thông tin thêm về một trong các ngành “mũi nhọn” là công nghệ hỗ trợ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân cho biết, những định hướng phát triển có ý nghĩa thiết thực đã được triển khai như: Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025... "Việc triển khai các hoạt động tư vấn, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước; các triển lãm quốc tế thường niên trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội cũng như tuyên truyền, quảng bá hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội… đã phát huy tác dụng, nhận được sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp", ông Nguyễn Vân nói.

Với những tiềm lực và định hướng đúng đắn kể trên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn chỉnh; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.