Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội hướng đến đô thị thông minh

Thu Hằng| 15/02/2021 06:18

(HNM) - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội chỉ ra lộ trình rất rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội kiến tạo những giá trị văn hiến cho tương lai.

Dự án thành phố thông minh, do liên doanh Tập đoàn BRG (Việt Nam) - Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư với tổng số vốn 4,138 tỷ USD tại huyện Đông Anh, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028.

Hà Nội xây dựng thành phố thông minh bắt đầu từ đâu?

Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá, góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đô thị thông minh, trong đó phải kể đến Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 về phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”.

Đề án này xác định đến năm 2030, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long và lấy Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh. Đây là định hướng quan trọng để Hà Nội nghiên cứu, lập kế hoạch, đưa ra lộ trình cụ thể phát triển đô thị thông minh.

Thực tế, từ năm 2016, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, duy trì mục tiêu thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên địa bàn toàn thành phố… Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội được thụ hưởng lợi ích của thành phố thông minh, Hà Nội quyết tâm giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiến trình xây dựng thành phố thông minh

Là Thủ đô văn hiến, nơi tỏa sáng những khát vọng vươn lên, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, sau thời kỳ phát triển “nóng”, thành phố phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, nhất là tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến nhiều thách thức trong quy hoạch, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Xây dựng một thành phố thông minh, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cuộc sống cộng đồng là yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu hướng tới của Thủ đô.

Lộ trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018-2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, như nền tảng cơ sở hạ tầng, các cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh trật tự. Giai đoạn 2 (2020-2025), sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm - cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, trong giai đoạn 1 của tiến trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội đã tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn.

Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Thành phố đã triển khai thành công các dịch vụ công trực tuyến và phần mềm "một cửa điện tử" dùng chung trên phạm vi 3 cấp chính quyền, với 1.671 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tháng 10-2019, dự án thành phố thông minh do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272ha tại huyện Đông Anh đã được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh, với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.

Ảnh: Trần Anh

Với những gì đã làm được, Hà Nội đang từng bước phát triển thành một siêu đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh. Theo  UBND thành phố Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội tập trung vào hai vấn đề lớn là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh (chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông thông minh…) và hình thành lớp cư dân thông minh.

Để làm được điều này, trước tiên Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới nhất. Trung tâm điều hành thông minh với 8 chức năng, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị hiện đại, cụ thể: Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng, chống tội phạm công cộng; Trung tâm Giám sát bảo mật và an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Trung tâm Ấn định dữ liệu... Đây chính là “bộ não” của chính quyền thành phố, là công cụ để điều hành, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hà Nội lựa chọn hai lĩnh vực là giao thông và du lịch để triển khai trước. Cụ thể, sẽ khởi động Trung tâm Giao thông thông minh tích hợp, bao gồm hệ thống giám sát xử lý an toàn giao thông bằng hình ảnh, phần mềm giám sát an ninh công cộng, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh, biển báo giao thông điện tử, hệ thống phần mềm giám sát trung tâm điều hành giao thông, hệ thống phần mềm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, hệ thống vé điện tử thông minh xe buýt, hệ thống thu phí điều tiết hạn chế các phương tiện cá nhân. Ở lĩnh vực du lịch, Hà Nội sẽ xây dựng Cổng thông tin du lịch ứng dụng trên điện thoại di động; phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, triển khai bản đồ du lịch Hà Nội, hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch thành phố...

Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội gặp không ít khó khăn về nguồn lực kinh tế; cơ chế, chính sách; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thiết kế đô thị… Song, với khát vọng vươn lên, với tiềm lực, lợi thế của mình, Hà Nội sẽ biến thách thức thành cơ hội. Khi đó, Hà Nội - kinh đô ngàn năm văn hiến, sẽ là thành phố thông minh và đáng sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hướng đến đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.