Chiều 27-9, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hội Tin học viễn thông Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “An toàn thông tin mạng và ứng dụng AI trong phát triển thành phố Hà Nội thông minh”.
Sự kiện nhằm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập của Hội Tin học Viễn thông Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Thiện Đức, Phó Chủ tịch Hội Tin học viễn thông Hà Nội cho biết, sự kiện là bước khởi đầu trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và Hội Tin học viễn thông Hà Nội. Đây là diễn đàn cho các chuyên gia, các nhà khoa học cũng như các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn đánh giá những thành tựu đã đạt được, thảo luận đưa ra những khuyến nghị khoa học góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh giai đoạn tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện nhà cung cấp đã đề cập đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng thành phố thông minh. Hiện, AI đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động.
Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
Ở quy mô quốc gia, việc ứng dụng công nghệ AI tại các cơ quan nhà nước, mà phổ biến là “trợ lý ảo” (tích hợp vào nhiều thiết bị nền tảng) và “chatbot” (hoạt động trên một nền tảng trò chuyện cụ thể) để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày càng được coi trọng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng 4 trợ lý ảo phục vụ người dân Việt Nam, gồm: Trợ lý ảo lập pháp (phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật); hành pháp (hỗ trợ bộ máy cán bộ, công chức); tư pháp (giảm bớt công việc cho các thẩm phán); pháp lý (hỗ trợ tư pháp cho người dân).
Thực tế, trong giai đoạn dịch Covid-19, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng AI để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, như: Ứng dụng trợ lý ảo thực hiện hàng triệu cuộc gọi tới người dân tuyên truyền phòng, chống dịch, chính sách an sinh xã hội, đem lại hiệu quả cao. Hay gần đây, một số địa phương, mà tiêu biểu là các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, đã ứng dụng AI chatbot để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Do vậy, từ định hướng và kết quả đã triển khai, thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã có thể đánh giá để ứng dụng cho việc chuyển đổi số tại đơn vị mình và trên địa bàn Thủ đô.
Các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị về tình hình mã độc đánh cắp thông tin các cơ quan, tổ chức nhà nước; các đợt tấn công mạng vào các cơ quan, doanh nghiệp…, cho thấy nguy cơ chiến tranh trên không gian mạng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong khi đó, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Hơn lúc nào hết cần coi trọng nhiệm vụ an toàn, an ninh mạng, vì đó là trụ cột quan trọng giúp tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số.
Vì vậy, các cơ quan, tổ chức cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn về bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Xây dựng an toàn theo mô hình 4 lớp; phân loại an toàn thông tin theo 5 cấp độ… góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.
Sau khi kết thúc Hội thảo, Hội Tin học viễn thông Hà Nội cùng nhà tài trợ Asus trao tặng huyện Chương Mỹ và huyện Sóc Sơn - hai huyện chịu nhiều hậu quả của cơn bão Yagi món quà là số tiền 25 triệu/huyện + 5 bộ máy tính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.