Kinh tế

Hà Nội: Hệ sinh thái ngân hàng mở thúc đẩy phát triển Thành phố thông minh

Anh Thư 02/10/2024 - 14:29

Sáng 2-10, trong khuôn khổ ngày Thẻ Việt Nam 2024, hội thảo “Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở” đã được tổ chức. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.

1d0f43b84b0eed50b41f(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Ý

Hội thảo do Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề trong quản lý đô thị, xây dựng thành phố thông minh, từ thể chế, luật pháp đến nhận thức và hành vi của người dân, đã được đặt ra.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc xây dựng đô thị thông minh là tất yếu và cấp thiết với Hà Nội. Giải pháp này không chỉ giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

Thành phố Hà Nội mong muốn nghe nhiều sáng kiến, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhằm giúp xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - văn minh - hiện đại - xanh và thông minh”, với các giá trị cốt lõi là “Chính quyền số - chính quyền phục vụ; doanh nghiệp số - doanh nghiệp phát triển - doanh nghiệp cống hiến; xã hội số - xã hội công bằng, minh bạch và hiệu quả; công dân số - người dân hạnh phúc”.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Như Ý

Tại phiên thứ nhất với nội dung “Hà Nội - Thành phố thông minh thúc đẩy kinh tế số” và phiên thứ hai “Hệ sinh thái ngân hàng mở - Tương lai của ngành ngân hàng”, các chuyên gia đã phân tích, nhấn mạnh những giải pháp đổi mới trong ứng dụng công nghệ lĩnh vực ngân hàng, xu hướng ngân hàng mở mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm cho người dùng.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS cho biết, hướng tới mô hình Hà Nội - Thành phố thông minh, các giải pháp thanh toán điện tử sẽ góp phần gia tăng tiện ích cũng như đem lại hiệu quả trong các hoạt động.

NAPAS và các ngân hàng thành viên sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công... thông qua ngân hàng mở.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng mở có tác động lớn và có tiềm năng tạo bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ, nhiều lựa chọn, cá nhân hóa và hiệu quả về chi phí.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý quản lý hoạt động ngân hàng mở, để giúp các tổ chức tín dụng triển khai một cách có hệ thống, phục vụ khách hàng tốt hơn, qua đó giải quyết nhiều bài toán dịch vụ tài chính và tiếp cận đến nhiều khách hàng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hệ sinh thái ngân hàng mở thúc đẩy phát triển Thành phố thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.