Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Hàng hóa đầy ắp, lượng người mua không đông

Hà - Hiền - Hương| 23/07/2021 21:29

(HNMO) - Tối 23-7, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số siêu thị trên địa bàn như VinMart, Big C, Aeon…, các quầy hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu đều đầy ắp hàng hóa, giá không tăng, lượng người mua không đông.

Quầy gạo tại siêu thị Aeon Long Biên chất đầy gạo từ các miền.

Hàng đầy kệ, kho hàng tăng dự trữ

Ghi nhận tại một số siêu thị như Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy), VinMart Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), T Mart Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), Aeon Long Biên…, tối nay, lượng người tới siêu thị không đông. Đáng chú ý, mọi người đều chọn mua số lượng hàng nhiều hơn thường ngày một chút để giảm số lần đi chợ, không mang tính tích trữ.

Nhìn chung, hàng hóa tại các siêu thị đầy ắp từ rau quả tươi tới thịt, cá, nhân viên liên tục bổ sung hàng mới. Thời điểm này đang chính vụ rau hè, nên các mặt hàng rau xanh rất phong phú, giá ổn định. Việc chăn nuôi ở các vùng chuyên canh cũng rất thuận lợi, giá lợn hơi thấp nên lượng thịt lợn, cá, trứng đầy ắp các kệ hàng. Những mặt hàng để được lâu như gạo, bánh đa, mì tôm, dầu ăn… còn đầy tại các kệ.

Tối nay, khá nhiều người chọn mua mặt hàng trái cây, do ngày mai là rằm tháng Sáu âm lịch. Giá rau, quả rất ổn định. Như tại siêu thị Big C, giá bí xanh 14.300 đồng/kg; cải thảo 14.000 đồng/kg, cải bắp trắng 12.500 đồng/kg, thanh long đỏ 32.000 đồng/kg, xoài cát chu 45.900 đồng/kg… Tại siêu thị Aeon Long Biên, giá rau ngót 8.000 đồng/bó, bí đỏ dài 19.000 đồng/kg, súp lơ 48.000/kg, bầu sao 23.000 đồng/kg, mướp hương 12.000 đồng/kg. Ngoài ra, sườn sụn có giá 299.000 đồng/kg, cánh gà 59.900 đồng/kg, bắp bò 340.000 đồng/kg…

Nhiều loại cá được bán tại siêu thị.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc cho biết: “Big C đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, bảo đảm nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Cụ thể, hàng thực phẩm khô dự trữ tăng 30% đến 50% so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Đồng thời, đơn vị làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200% đến 300%”.

Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc, Công ty TNHH Aeon Việt Nam thông tin, từ 1 tuần trước, Aeon Việt Nam đã chủ động tăng trữ lượng hàng thực phẩm cho 3 siêu thị Aeon khu vực Hà Nội (Long Biên, Hà Đông và MaxValu Riverside). Cụ thể, lượng thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt) tăng từ 200% đến 400%, thực phẩm khô (mì, miến...) tăng từ 120% đến 130%. Bộ phận thu mua của Aeon Việt Nam đã làm việc với nhà cung cấp để có kế hoạch dự phòng, tăng nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đồng thời lên các phương án tăng diện tích kho chứa, tăng lượng hàng đông lạnh và hàng tươi cấp đông…

Quầy hàng tại siêu thị T Mart Lĩnh Nam tối nay khá vắng khách.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngõ 13 Lĩnh Nam) đang mua hàng tại siêu thị T Mart Lĩnh Nam cho biết: “Những ngày qua, Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tôi không mua hàng hóa tích trữ bởi siêu thị, các chợ vẫn mở cửa bình thường, hàng hóa dồi dào”.

Huy động tổng lực, bảo đảm đầy đủ nguồn hàng 

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngành Công Thương đã triển khai ngay việc chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hà Nội đã chuẩn bị nguồn cung từ các doanh nghiệp phân phối trong nhiều tháng qua, do đó, khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng đủ. Hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng không có tình trạng đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Mặt hàng nước mắm đang được giảm giá.

Cũng theo bà Phương Lan, tại Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, thành phố vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng Sở Công Thương và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch cũng như việc thực hiện chương trình bình ổn giá, không găm hàng, tăng giá, trục lợi do dịch bệnh.

Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để bảo đảm nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm, Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào thành phố, cũng như tăng giờ bán. Thành phố cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành thành phố và một số doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố về phương án cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong các tình huống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã đưa ra một số chỉ đạo. Với ngành Nông nghiệp, cần tính toán khi dịch bệnh kéo dài 14 ngày, 1 tháng hay lâu hơn để xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất phù hợp. "Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất", đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.

Các siêu thị đều bảo đảm nguồn rau xanh dồi dào phục vụ nhu cầu người dân.

Về vấn đề vận chuyển, Sở Giao thông Vận tải cần xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc. Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Các đơn vị phải tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, đồng thời, đa dạng vùng cung cấp để có phương án thay thế khi cần thiết.

Ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, các siêu thị đều mở thêm kênh bán hàng online. Như với hệ thống Big C, có thể mua trên ứng dụng GO! & Big C, hotline mua hàng 1900 1880, Zalo shop, Grab mart, Now… Với siêu thị Aeon có thể mua qua website Aeon Eshop, qua ứng dụng Aeon App/GrabMart/NowFresh hoặc gọi điện/nhắn tin đặt hàng qua điện thoại siêu thị Aeon Long Biên: 024 6250 7711 và siêu thị Aeon Hà Đông: 024 2220 8788. Với hệ thống VinMart/VinMart+ có dịch vụ "Đi chợ hộ" thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website https://vinmart.com...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hàng hóa đầy ắp, lượng người mua không đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.