Cải cách hành chính

Hà Nội đề nghị được tăng cường phân quyền: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tiến Thành 08/08/2023 06:23

Quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội gia tăng dân số, không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng mà còn khiến bộ máy chính quyền cơ sở chịu áp lực, dẫn đến quá tải.

Từ đó cho thấy, nên tăng thẩm quyền cho thành phố Hà Nội chủ động quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

giai-quyet-thu-tuc-hanh-chi.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Quang

Công việc quá tải

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện dân số cấp xã trung bình tại thành phố là khoảng 22.300 người, trong khi quy định tiêu chuẩn là 15.000 người. Thành phố có 41 phường có dân số trên 30.000 người, cá biệt như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có hơn 90.000 người. Với số lượng dân cư đông, khối lượng công việc tại các phường rất lớn, gây áp lực trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với đội ngũ công chức phường.

Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định số lượng cán bộ, công chức đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người. Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường trên địa bàn thành phố hiện nay là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.

Thống kê vào quý I-2023, quy mô dân số của phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) là hơn 51.000 người. Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân cho biết, phường có 16 công chức, trung bình một ngày, bộ phận “một cửa” tiếp nhận 70-80 lượt người dân. Công chức phường hôm nào về sớm cũng phải 18h-19h.

Là phường có số lượng dân cư lớn nhất thành phố, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Tạ Văn Hải cho biết, cán bộ tư pháp của UBND phường đang đồng thời thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tại bộ phận “một cửa”, bởi phường thiếu cán bộ, công chức.

Theo chị Đào Thị Trang, cư dân chung cư NƠ3 bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt), Hoàng Liệt là phường đông dân nhất Hà Nội nhưng số lượng cán bộ bộ phận “một cửa”, diện tích và nơi làm việc cũng không khác gì so với phường khác. Vì vậy, khi người dân đến làm việc thì khu vực ngồi đợi chật chội, đông đúc, thời gian chờ để làm việc cũng lâu hơn.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị từ gần 2 năm qua đã phải đảm trách khối lượng công việc tăng lên nhiều. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, thành phố Hà Nội có 176 đơn vị xã, phường tại 26 quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Điều này gây tâm lý lo ngại, một số phường, xã không bảo đảm quy định sẽ được sáp nhập, làm tăng diện tích, dân số, trong khi số lượng cán bộ, công chức cấp phường không tăng lên.

huong-dan-nguoi-dan-su-dung.jpg
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” phường Khương Đình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Đỗ Tâm

Cần được chủ động hơn

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm thêm biên chế cho các phường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường phân quyền cho HĐND, UBND thành phố có thẩm quyền cao hơn về tổ chức bộ máy, biên chế.

Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội cho phép thành phố được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước khi thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Với vị thế, vai trò của Thủ đô, cần thiết tăng thẩm quyền cho Hà Nội chủ động quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và bảo đảm cơ sở pháp lý khi quy định này đang được triển khai tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu, tiếp thu chính sách của Nghị quyết số 98/2023/QH15, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án.

Phương án thứ nhất, về quy định tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Phương án thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định biên chế công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của Hà Nội.

Các quy định này sẽ bảo đảm sự chủ động cho Hà Nội trong việc xác định tổng biên chế cần có trên cơ sở căn cứ vào vị trí việc làm, quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề nghị được tăng cường phân quyền: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.