Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân để làm rõ hơn nội dung này.
- Một trong những nội dung quan trọng trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về nội dung này?
- Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, pháp luật hiện hành (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch) quy định Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định phân cấp cho Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia (Điều 72) để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội quyết định.
Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, dự thảo Luật quy định, các thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất, mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất (Khoản 5, Điều 65). Địa phương nào đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch và phải lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 (Khoản 2, Điều 241). Quy định này nhằm tránh chồng chéo trong công tác quy hoạch đất đai với quy hoạch đô thị, hạn chế lãng phí, tốn kém trong công tác quy hoạch, mà vẫn bảo đảm thực hiện được các yêu cầu của quản lý nhà nước.
Ngoài ra, dự thảo Luật bỏ quy định về kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh vì đã được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (Điều 68).
- Vấn đề đáng quan tâm là thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, xác định giá đất, nhất là đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ, phục vụ đời sống dân sinh… Vậy, việc phân cấp, phân quyền nội dung này được thực hiện như thế nào?
- Dự thảo Luật quy định, UBND tỉnh thu hồi đất đối với tổ chức, tổ chức tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (thuộc trường hợp quy định tại Điều 81 và Điều 82); thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp còn lại.
Dự thảo Luật cũng phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
- Hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất vẫn phụ thuộc nhiều vào Chính phủ và các bộ, ngành, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh… Theo quy định mới, nội dung này được phân cấp ra sao, thưa ông?
- Luật Đất đai năm 2013 quy định, các dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thực hiện quy định nêu trên, các địa phương có dự án phải xây dựng khung chính sách trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quy định này dẫn đến các dự án nêu trên phải thực hiện thủ tục để được phê duyệt khung chính sách trong nhiều trường hợp không cần thiết, làm chậm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chậm tiến độ thực hiện dự án.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật mới quy định, đối với dự án đầu tư do Quốc hội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư mà phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng, cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Khoản 1, Điều 91), bỏ được khâu trung gian qua bộ, ngành thẩm tra.
Còn về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, dự thảo Luật bỏ quy định trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác, mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác đối với các dự án này (Khoản 1, Điều 122). Quy định này nhằm đơn giản thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.