(HNM) - Để nâng cao chất lượng quản lý an toàn thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, các sở, ngành của thành phố tăng cường lấy mẫu giám sát. Tuy nhiên, việc này còn bất cập do quy mô cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều bất cập...
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh thông qua việc lấy mẫu giám sát, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 1.412 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Hiện, các đơn vị xét nghiệm đã trả kết quả phân tích của 205 mẫu, trong đó phát hiện 2 mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Với những mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, Chi cục tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản còn khó khăn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Do người dân còn hạn chế trong kỹ thuật, chưa có kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm nên gây khó khăn trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng khu vực kinh doanh bày bán thực phẩm tươi sống tại hệ thống chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhiều nhưng quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết; trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra các cấp quá "mỏng"... Những yếu tố này đã gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên chia sẻ: Theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, để đánh giá chính xác chất lượng an toàn thực phẩm các loại nông sản, thực phẩm thì số lượng lấy mẫu và đối tượng giám sát phải đủ lớn, trong khi kinh phí được cấp để làm các xét nghiệm này còn hạn chế. Vì vậy, mẫu phân tích sản phẩm chỉ tập trung vào những vùng trọng điểm. Hơn nữa, trang thiết bị chuyên môn phục vụ công tác giám sát còn thiếu; các huyện, xã chưa có cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm...
Để tháo gỡ khó khăn và cung cấp cho thị trường những mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, thời gian tới, trên địa bàn huyện, công tác giám sát chất lượng nông sản được đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức chuyên ngành về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, tập trung nhóm nông sản chủ yếu: Rau, thịt, sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt...
Mặt khác, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt thanh tra liên ngành, chuyên ngành đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Huyện cũng sẽ tập trung xây dựng, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Để siết chặt quản lý lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Chi cục tiếp tục chủ động trong công tác lấy mẫu kiểm tra, đặc biệt ưu tiên sản phẩm rau, thịt, thủy sản; giám sát tập trung vào các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản phẩm sơ chế, chế biến... nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý triệt để những cơ sở làm trái quy định của pháp luật.
Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố tăng cường tuyên truyền việc kiểm tra nhanh bằng xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; khuyến cáo người dân nhận biết một số hóa chất cấm trong thực phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.