(HNM) - Để góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, thay đổi thói quen canh tác rau truyền thống, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, bền vững, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho nông dân về sản xuất rau an toàn. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn hiệu quả trên địa bàn Hà Nội.
Hiện nay, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) có 49,6ha rau an toàn và 10ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc canh tác của người dân chủ yếu vẫn theo tập quán cũ, dựa vào kinh nghiệm là chính. Để thúc đẩy phát triển rau an toàn tại các vùng tập trung đạt hiệu quả cao và tạo những địa chỉ tin cậy về sản phẩm rau an toàn, bảo đảm chất lượng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh đã phối hợp với xã Tiến Thắng, Hợp tác xã Thái Lai tiến hành thực hiện mô hình bón khô dầu đậu tương, cải tạo đất trên cây hành ăn lá.
Về vấn đề này, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh Bùi Mạnh Tiến cho biết, thực hiện phương pháp kỹ thuật bón khô dầu đậu tương cải tạo đất trên cây hành lá cho hiệu quả kinh tế rất cao (đạt 6,8 triệu đồng/sào - cao hơn 1,4 triệu đồng/sào so với tập quán canh tác cũ). So với bón phân theo cách truyền thống, việc sử dụng phân bón hữu cơ đã tạo tơi, xốp cho đất trồng; hạn chế sự phát sinh, phát triển các loại vi sinh vật, sâu bệnh; cây sinh trưởng khỏe mạnh hơn nên số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 lần…
Tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã triển khai mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với diện tích 22ha, chủ yếu là các loại: Cải canh, cải ngồng, cải ngọt… Theo bà Hoàng Thị Thúy Nga - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, sau thời gian thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia truy xuất nguồn gốc (PGS) trong sản xuất rau, nông dân có chuyển biến rõ nét trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên rau; thu hoạch rau bảo đảm thời gian cách ly, truy xuất được rõ ràng nguồn gốc sản phẩm…
Ghi nhận hiệu quả của phương pháp canh tác này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết thêm: Trong 9 tháng năm 2019, Chi cục đã mở 55 lớp IPM trên cây rau (28 lớp đã kết thúc khóa học); 20 mô hình bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang và sâu đục cà chua; 21 mô hình thử nghiệm sử dụng bẫy dính phòng trừ sâu hại trên rau… Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên tuyên truyền cho nông dân quy định về an toàn thực phẩm, quy trình kỹ thuật, kiến thức khoa học, kinh nghiệm canh tác rau an toàn… Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đạt khoảng 60% và theo đó, giảm khoảng 30% số lần và số lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cây trồng. Về cơ bản, nông dân đã tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm; giảm tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép (hằng năm phân tích gần 1.000 mẫu rau, kết quả có 1% mẫu bị vượt mức cho phép).
Thời gian tới, để kiểm soát chất lượng rau an toàn, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra tiến độ, kỹ thuật sản xuất trên các loại cây trồng, trong đó có rau an toàn. Chi cục tiếp tục hỗ trợ một số loại phân bón và thuốc bảo vệ có nguồn gốc thảo mộc vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm độc hại cho môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; đồng thời, chú trọng xây dựng và duy trì các tổ/nhóm thành nếp, góp phần thay đổi cơ bản quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm hướng đến lợi ích đa chiều...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.