Thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực công tác. Từ tình hình thực tiễn, thành phố tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện để bổ sung, điều chỉnh các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu của việc phân cấp, ủy quyền.
Rõ hiệu quả, nhưng còn vướng mắc
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các quy định của pháp luật về công tác phân cấp, ủy quyền. Việc triển khai phân cấp, ủy quyền đã bảo đảm theo tinh thần cải cách hành chính; phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho cấp huyện; thực hiện ủy quyền đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền thành phố và thủ tục hành chính cấp huyện.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, Sở Y tế đã được phân công ủy quyền 90/191 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa kết nối và vận hành thống nhất trong toàn thành phố dẫn đến hiệu quả sử dụng còn chưa cao; hồ sơ nhận qua dịch vụ bưu chính công ích chưa nhiều…
Cùng quan điểm, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, mặc dù thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, nhưng quá trình triển khai cho thấy năng lực cán bộ từng nơi khác nhau nên dẫn đến một số tồn tại trong thực hiện.
Ngoài ra, việc kiểm tra, hậu kiểm công tác phân cấp, ủy quyền cũng là vấn đề còn tồn tại. Liên quan đến công tác cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dù thành phố đã phân cấp giao cho Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã 30 gói thầu thu gom rác thải; nhưng trong gói thầu của 10/30 quận, huyện, thị xã không có yêu cầu đặt thùng rác ở khu phố, dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố đã ủy quyền cho quận, huyện, thị xã tiến hành phê duyệt giá đất đấu giá theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác thực hiện còn nhiều lúng túng, từ đó dẫn đến việc đấu giá đất trong 6 tháng đầu năm 2023 gặp khó khăn. Công tác thu tiền đấu giá đất, tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách và kế hoạch đầu tư công...
Phân cấp, ủy quyền phù hợp, linh hoạt
Theo báo cáo tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội, còn khoảng 30 thủ tục hành chính được đưa vào phương án ủy quyền nhưng điều kiện nhận ủy quyền còn nhiều bất cập nên tính khả thi trong thực hiện ủy quyền của nhiều thủ tục hành chính còn chưa cao.
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, theo kế hoạch ủy quyền mà UBND thành phố đề ra là 617 thủ tục. Đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, theo thống kê mới nhất, đã thông qua 531/617 thủ tục. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính được phê duyệt danh mục đều đã có quy trình nội bộ. Đối với số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay có liên quan đến 6 sở, Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở. Dự kiến trong tháng 7-2023 sẽ có 27 thủ tục hành chính được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác ủy quyền xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, UBND thành phố vừa ban hành Quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Khẳng định sự đúng đắn của chủ trương phân cấp, ủy quyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền; căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp, ủy quyền phù hợp, linh hoạt. Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, UBND thành phố đang chuẩn bị cho việc đánh giá 1 năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện phân cấp, ủy quyền trong 1 năm qua; đề xuất của các quận, huyện, thị xã; kết quả rà soát kỹ lưỡng của sở chuyên ngành, UBND thành phố sẽ tiếp tục xem xét, báo cáo HĐND thành phố về việc có bổ sung hoặc điều chỉnh quy định phân cấp.
Hiện đã có 617 phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính trong tổng số 1.910 thủ tục hành chính toàn thành phố, đạt 37%. Trong đó, phân cấp, ủy quyền từ Chủ tịch UBND thành phố về Chủ tịch UBND huyện là 19 thủ tục hành chính; từ sở về UBND cấp huyện là 129 thủ tục hành chính; từ sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 1 thủ tục hành chính; từ phòng thuộc sở về trưởng phòng thuộc UBND cấp huyện là 30 thủ tục hành chính...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.