Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đã kiểm điểm nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm

Bảo Hân| 13/06/2015 09:30

(HNMO)- ĐB Huỳnh Nghĩa chất vấn Phó Thủ tướng về việc  chặt hạ hàng loạt cây xanh ở Hà Nội  có hay không việc đặt lợi ích DN lên trên lợi ích cộng đồng và trách nhiệm của địa phương ra sao?

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn sáng 13.6 - Ảnh: Ngọc Thắng


ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu thực trạng về tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thoát tài sản lớn của nhà nước. ĐB này đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý được bao nhiêu vụ, tài sản thu hồi về cho nhà nước được bao nhiêu? Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ nào để đưa ra tại thời điểm này?

Phó Thủ tướng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ đã trình bày khẳng định việc chống tham nhũng trong thời gian qua đã làm rất quyết liệt, đạt nhiều thành quả tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, kết quả chưa được như yêu cầu. Năm 2014, đã điều tra, khám phá xét xử 256 vụ với 593 bị can (Tăng 25 vụ và 25 bị can). Tài sản thu hồi năm 2013 đạt trên 10%; năm 2014 với nhiều vụ án lớn đạt trên 22%.

Về các biện pháp phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nêu lại 8 biệp pháp lớn mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra như Đảng, Nhà nước lãnh đạo chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng chống tham nhũng; tiếp tục xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng; tuyên truyền vận động nhân dân; hợp tác quốc tế; phát huy vai trò cơ quan MTTQ trong phát hiện tham nhũng...

Phó Thủ tướng cũng khẳng định công tác chỉ đạo chống tham nhũng thời gian qua đã có chuyển biến quan trọng.

Trả lời câu hỏi thứ hai của ĐB Huỳnh Nghĩa: "Việc chặt hạ hàng loạt cây xanh nhiều năm tuổi ,thay bằng cây xanh giá trị kém ở Hà Nội và lấp sông Đồng Nai, có hay không việc đặt lợi ích DN lên trên lợi ích cộng đồng? trách nhiệm 2 địa phương ra sao?", Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra việc chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội trong thời gian qua. Thành uỷ, UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động thành lập đoàn thanh tra. Kết quả thanh tra đã làm rõ lý do việc chặt hạ cây trên các tuyến phố Nguyễn Trãi là để làm đường sắt trên cao, tại tuyến Nguyễn Chí Thanh là để cải tạo các hàng cây tạp theo đề án trồng mới thay thế các cây hư hỏng, ngã đổ.

Qua thanh tra Hà Nội cũng rút ra một số kết luận như thực hiện công việc còn sơ sài, thiếu công khai dân chủ, bàn bạc với dân, có ý kiến chuyên gia...

"Quan trọng là Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm. Chính phủ rất hoan ngênh thái độ nghiêm túc của Hà Nội trong việc này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về việc lấp sông Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo cử đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Tài nguyên - Môi trường trực tiếp xem xét thực tế. Kiến nghị chính thức của đoàn thanh tra liên ngành là tạm dừng dự án lấp sông Đồng Nai để tiếp tục xem xét tác động môi trường của dự án.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) muốn Phó Thủ tướng làm rõ chủ trương XHH cơ sở hạ tầng giao thông có phải là tư nhân hoá cơ sở hạ tầng quan trọng của nhà nước hay không? Phó Thủ tướng đánh giá đây là câu hỏi hay và khẳng định xã hội hoá không đồng nghĩa với tư nhân hoá. Với các hình thức BOT, BT, BTO, nhà đầu tư kinh doanh trong khoảng thời gian nhất định, thu phí, hoàn vốn trả lại cho nhà nước bằng không đồng thì không gọi là tư nhân hoá. Về câu hỏi XHH có tạo ra độc quyền không? Phó Thủ tướng khẳng định cùng với chủ trương XHH nhưng không buông lỏng vai trò quản lý của nhà nước. Cụ thể như quản lý giá thu phí, chất lượng dịch vụ... trên cơ sở có lợi cho cả 3 bên là nhà nước, nười dân và nhà đầu tư.

Về chính sách, giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Phó Thủ tướng đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân rất to lớn trong nền kinh tế Việt Nam. "Có DN mới tạo việc làm, thu được nâng sách, tạo ra GDP. Từ khi có luật DN vào năm 2005 đến nay đã có sự phát triển vượt bậc với gần 500.000 DN, trên 4 triệu hộ cá thể có phể phát triển thành DN. Ty hiên, thực tế DN nước ta còn phát triển chưa tương xứng tiềm năng, quy mô còn nhỏ. Nguyên nhân do môi trường kinh doanh của chúng ta chưa tốt, môi trường pháp lý còn nhiều bất cập..." - Phó Thủ tướng cho biết.

Giải pháp đưa ra là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với ổn định vĩ mô; cải thiện môi trường pháp lý; cổ phần hoá DN nhà nước tốt hơn, bình đẳng hơn; nhà nước hỗ trợ thông tin; phát huy vai trò các hiệp hội, ngành nghề...

Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân



ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng dù Chính phủ báo cáo nợ công tuy tăng cao, tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng cử tri vẫn rất lo lắng, lo sợ về sự an toàn nợ công, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất của nợ công là khả năng vay và trả nợ như thế nào và hiệu quả khoản vay rất quan trọng. Thời gian qua nước ta do nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng nên tăng tỷ lệ nợ công cao hơn tăng tỷ lệ GDP. Đến nay, tỷ lệ nợ công đã ở mức 62%/GDP, trong khi giới hạn quốc hội cho phép là 65%. Trong điều kiện kinh tế chưa phục hồi, Chính phủ rất thận trọng trong mở rộng các khoản nợ.

Về giải pháp, theo Phó Thủ tướng căn cơ nhất là ổn định môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường quản lý chi tiêu công; cơ câu lại nợ công; tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, thu đủ nợ.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng nêu chất vấn trong khi nhiều quốc gia từ chối vay vốn ODA thì nước ta vay quá cao, nhiều khoản vay chưa hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, một trong những thành công của nước ta thời gian qua là kêu gọi xúc tiến ODA để cải thiện cơ sở hạ tầng. Các công trình ODA từ nam chí bắc phát huy tác dụng tốt. Có một số công trình ODA triển khai chậm, kéo dài, chưa phát huy hiệu quả do thiêu vốn đối ứng, công tác GPMB còn trì trệ.

ĐB Trần Du lịch (TP.HCM) chất vấn về 269 DN nhà nước "xương xẩu" hiện chưa CPH gây ảnh hưởng đến kế hoạch chung của Chính phủ, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt, cơ bản thực hiện đúng mục tiêu đã nêu. Với 269 DN, dù phải CPH quyết liệt nhưng không phải CPH mọi giá, đề phòng thất thoát tiêu cực.

ĐB Lê Như Tiến nêu dư luận xã hội và cử tri bất bình trước một số, một bộ phận cán bộ công chức viên chức nhà nước có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, vô cảm vô tâm, lệch chuẩn trong văn hoá ứng xử với người dân để mong Chính phủ có biện pháp mạnh chấn chỉnh.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng đánh giá thuộc về đạo đức công vụ. QH có Luật về công chức, viên chức với 18 nghị định hướng dẫn. Tới đây, Chính phủ có những biện pháp thanh tra, kiểm tra đi cùng đổi mới giảm biên chế, tổ chức thi tuyển tìm cán bộ tốt, phục vụ nhân dân... sẽ đưa cán bộ không đạt tiêu chuẩn, đạo đức năng lực ra khỏi bộ máy.

Cùng nội dung này, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) chất vấn Phó Thủ tướng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo là giải pháp tích cực lựa chọn cán bộ công khai minh mạch. Với cách làm hay như vậy mà đến giờ Chính phủ vẫn không kịp thời sơ kết, chỉ đạo để nhân rộng? Phó Thủ tướng cho biết, sau khi nghiên cứu, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc thi tuyển cấp vụ, cấp phòng ở nước ta để tăng cường tính minh bạch, chọn người tài cho bộ máy. Sắp tới việc này sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Về cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cũng đồng thời giả đáp hàng loạt các chất vấn của ĐB về những vấn đề như hội nhập kinh tế quốc tế, nợ đọng văn bản, tin nhắn rác, sim rác tràn lan, độc quyền cạnh tranh ngành điện...

Tổng cộng đã có 24 lượt ĐB chất vấn với 30 câu hỏi được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời trực tiếp tại hội trường. Theo nhận định của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thì phần trả lời của Phó Thủ tướng khá thẳng thắn, nhanh gọn, đi thẳng vào vấn đề, làm rõ vấn về và giải quyết được vấn đề đặt ra.

Kết thúc 2 ngày rưỡi của phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tổng kết, 4 vị Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân PHúc đã đã trả lời, thảo luận, làm rõ trên 130 ý kiến của các vị ĐBQH với hơn 200 chất vấn.

"Điều đó cho thấy chúng ta đã chọn đúng và trúng nội dung chất vấn, bao gồm những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đồng bào cử tri và ĐB QH quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các chất vấn chỉ rõ những yếu kém để Chính phủ, bộ ngành khắc phục. Phần trả lời cũng không né tránh những vấn đề gai góc, phức tạp, nhận trách nhiệm về cá nhân mình và đề xuất giải pháp thực hiện, quyết tâm làm chuyển biến tình hình" - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ và các vị bộ trưởng trong trả lời chất vấn, thực hiện những điều đã cam kết trước QH và cử tri cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đã kiểm điểm nghiêm túc tổ chức, cá nhân vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.