Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội có 7 VĐV tham dự Olympic Rio 2016: Khẳng định vai trò chủ lực

Mai Hoa| 01/06/2016 08:11

(HNM) -

Phạm Phước Hưng là một trong 7 gương mặt tiêu biểu của thể thao Hà Nội xuất sắc giành vé tham dự Olympic Rio 2016.


Đó thực sự là kết quả đáng tự hào, bởi nếu không có sự đóng góp của Hà Nội, chắc chắn nhiệm vụ phấn đấu có từ 15 đến 20 VĐV dự Olympic Rio 2016 của TTVN khó có thể hoàn thành. Việc giành vé dự Thế vận hội không dễ dàng, bởi VĐV phải vượt qua các vòng tuyển chọn quy mô châu lục và thế giới, cạnh tranh trực tiếp với nhiều gương mặt hàng đầu của các quốc gia có nền thể thao mạnh. Trong bối cảnh ấy, 7 gương mặt của thể thao Thủ đô được đến Olympic Rio 2016 đều là những VĐV tài năng tiêu biểu cho tinh thần, ý chí quyết tâm và nghị lực vượt khó!

Đầu tiên, không thể không kể đến Phạm Phước Hưng, chàng trai 29 tuổi nhưng có đến 22 năm gắn bó với nghiệp thể dục dụng cụ (TDDC). Ít nhất 2 lần phải vượt qua bạo bệnh lao xương và vô số lần bị chấn thương, nhưng Phước Hưng luôn vững vàng phấn đấu, trở thành VĐV hàng đầu của TTVN với bảng vàng thành tích huy chương dày dặn ở cả tầm quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới. Tại vòng tuyển chọn cuối cùng của Olympic Rio 2016 môn TDDC diễn ra trung tuần tháng 4 ở Brazil, hình ảnh Phước Hưng với mảng lưng trần dán kín băng bảo vệ nhằm giữ chắc cơ và khớp trước giờ vào thi đấu khiến tất cả đều xúc động. Hưng đã vượt qua sự đau đớn do tái phát chấn thương để giành vé dự Olympic trong niềm tự hào chung của TTVN.

Cũng 2 lần liên tiếp giành quyền tham dự Olympic (2012, 2016) như Hưng, nhưng những nhọc nhằn của đô vật Nguyễn Thị Lụa lại rất khác. Do đặc thù của môn vật với rất nhiều khó khăn, ít tài trợ, khó lấy thưởng vì môn này hay bị loại khỏi đấu trường SEA Games, dễ hiểu Lụa phải chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập khi theo nghiệp vật nữ. Nhưng đô vật đất Quốc Oai không hề nản lòng, lập thành tích làm nức lòng người hâm mộ.

Bất ngờ lớn nhất chính là việc Đội tuyển Kiếm Hà Nội giành được 3 suất dự Olympic, gồm Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung và Nguyễn Thị Như Hoa. HLV Phạm Anh Tuấn cũng thừa nhận: "Việc An và Dung vượt qua vòng loại nằm trong tính toán của các nhà chuyên môn, nhưng với trường hợp Như Hoa thực sự rất bất ngờ, khẳng định nỗ lực lớn của bà mẹ hai con này. Cả 3 kiếm thủ đều có tinh thần tự giác rèn luyện, điềm đạm, khiêm tốn học hỏi, lại luôn nuôi dưỡng niềm khát khao chiến thắng".

Hai gương mặt còn lại là đô vật trẻ Vũ Thị Hằng (HCB giải trẻ thế giới, HCB giải Châu Á) và lực sĩ cử tạ Vương Thị Huyền (từng giành HCB thế giới và HCV Châu Á). Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú phân tích: "Rất khó có thể giành huy chương ở Thế vận hội, nhưng theo các nhà chuyên môn, chúng ta có thể hy vọng ở những môn thi đấu theo hạng cân, ví như vật hoặc cử tạ. Tất nhiên, vật muốn có huy chương rất cần phải dày dạn kinh nghiệm. Còn cử tạ, thành bại thế nào phụ thuộc nhiều vào chuyện bốc thăm và tính toán chiến lược, bởi môn này nếu đặt cân đúng rất có khả năng giành huy chương".

Nhiều năm qua, thể thao Hà Nội luôn góp tỷ lệ 30% trong tổng số lực lượng VĐV của Đoàn TTVN tham dự các kỳ đại hội quốc tế. Kỳ này, thành tích đó được lặp lại, thậm chí còn ở mức tốt hơn, như bày tỏ của ông Phan Anh Tú: "Tôi thực sự hài lòng với nỗ lực của các HLV, VĐV. Ngoài số VĐV được trung ương đầu tư trọng điểm, Thủ đô luôn chủ động đầu tư cho những VĐV giàu tiềm năng, bảo đảm lực lượng kế cận". Duy trì quan điểm "chung tay, cộng đồng trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia", rõ ràng thể thao Thủ đô đã và sẽ tiếp tục thể hiện sự chủ động và đúng đắn trong đầu tư VĐV trọng điểm, giữ vai trò chủ lực của TTVN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội có 7 VĐV tham dự Olympic Rio 2016: Khẳng định vai trò chủ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.