Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội chú trọng xây dựng dữ liệu hạ tầng thành phố thông minh

T.Minh (lược ghi)| 09/11/2018 10:24

(HNMO) - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho rằng, muốn xây dựng đô thị thông minh, việc đầu tiên phải chú trọng xây dựng dữ liệu hạ tầng thành phố thông minh.

Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn phát biểu tại Hội thảo.


Những lợi thế trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu

Hà Nội là thành phố có hơn 7 triệu dân, và là một trong 17 thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới. Thành phố có lịch sử hơn 1.000 năm, có nền văn hóa truyền thống lâu đời, môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và khách du lịch quốc tế. Định hướng phát triển trong 5 năm tới của Hà Nội là trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của Việt Nam và có vị trí cao về một số lĩnh vực trong khu vực.

Trong quá trình hiện thực hóa những mục tiêu, định hướng đó, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp cận, ứng dụng, đón đầu những xu thế công nghệ mới để quản trị các nguồn lực công, cải thiện chất lượng dịch vụ cung ứng cho cư dân của mình.

Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Đặng Vũ Tuấn chia sẻ, Hà Nội có nhiều cơ hội, lợi thế khi xây dựng dữ liệu hạ tầng thành phố thông minh.

Cụ thể, Hà Nội có quyết tâm của cả hệ thống chính quyền và người dân trong việc hiện đại hóa các dịch vụ công. Ngay từ năm 2012, thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghệ thông tin, đặt mục tiêu xây dựng thành phố điện tử với công dân điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử vào năm 2020.

Đến nay, Thủ đô đã bước đầu hoàn thiện các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, mạng diện rộng (WAN), cổng giao tiếp điện tử thành phố, cổng dịch vụ công; hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin được bước đầu triển khai; hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị cũng từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.

Về xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Thủ đô, là “trái tim” của nền hành chính điện tử, từ đó triển khai hiệu quả các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành của UBND thành phố.

Thành phố đã triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung, thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt, cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3 các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường.

Thành phố hiện có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, 386 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 170 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, đạt gần 29,5% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước. Hà Nội sẽ hoàn thành ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, hoàn thành xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong năm 2018.

Năm 2018, báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ TT-TT xếp hạng Hà Nội đứng thứ 3 trên toàn quốc. Với cơ sở dữ liệu dân cư được thiết lập, Hà Nội đã triển khai ứng dụng cấp hồ sơ khám sức khỏe điện tử cho trên 7,5 triệu công dân, tầm soát ung thư sớm cho hơn 2 triệu người trên 40 tuổi, kết nối các bệnh viện trên địa bàn, liên thông khám chữa bệnh với hệ thống bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội xác định giao thông thông minh là chìa khóa góp phần quan trọng xúc tiến giao thương, kinh tế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho mỗi người dân và toàn xã hội, đồng thời mang lại bộ mặt đô thị văn minh, thân thiện.

Thành phố đã thí điểm ứng dụng quản lý bãi đỗ xe thông minh iParking tại 17 điểm trên 2 tuyến phố với 286 chỗ đỗ xe, sắp tới sẽ cho triển khai rộng trên hầu hết các tuyến phố. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được thực hiện mạnh mẽ trong y tế và giáo dục: Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, hệ thống quản lý khám, chữa bệnh toàn thành phố; học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ điểm điện tử; hệ thống trực tuyến tuyển sinh đầu cấp...

Trong giai đoạn 2018-2020, Hà Nội sẽ xây dựng trung tâm điều hành thông minh với 8 trung tâm chức năng. Các trung tâm này là một thành phần cốt lõi của cơ sở hạ tầng thông minh, các thông tin thu thập và xử lý từ các hệ thống ứng dụng đã được thiết lập trong từng lĩnh vực được truyền về trung tâm để phân tích, xử lý và ra quyết định.

Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố hoạt động giống như bộ não trung tâm, kết nối với các lĩnh vực thành phần như: Năng lượng, nước, giao thông, an toàn công cộng, an toàn an ninh thông tin…, cho một cái nhìn toàn diện, phân tích, xử lý trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ các lĩnh vực và từ các nguồn dữ liệu khác, cho phép lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ nhất.

Bên cạnh đó, Hà Nội có lợi thế về hạ tầng kỹ thuật với hơn 11 triệu thuê bao điện thoại di động, tương ứng với 150 thuê bao di động/100 dân; thuê bao internet băng rộng là gần 5 triệu, đạt 2,5 thuê bao/hộ gia đình; thuê bao truyền hình cáp là gần 1,5 triệu, đạt 75% hộ gia đình có thuê bao truyền hình cáp. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng smartphone đã đạt trên 40% vào năm 2015 và tăng lên 70% vào năm 2018.

Đây là những điều kiện thuận lợi để người dân thích nghi với cuộc sống có sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo. Doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tràn đầy năng lượng tinh thần khởi nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này sẽ là điều kiện để thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều đó càng cho thấy quyết tâm hiện đại hóa thống nhất từ Trung ương tới chính quyền địa phương.

Những khó khăn thách thức

Bên cạnh những cơ hội, Hà Nội cũng đối diện một số thách thức để xây dựng thành công thành phố thông minh như: Diện tích đất tự nhiên rộng lớn, dân số đông, mật độ dân số không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành (11.855 người/km2, trong khi ngoại thành là 1.455 người/km2).

Hệ quả là, yêu cầu nguồn lực đầu tư phải lớn, khó đầu tư đồng bộ, toàn diện, mà phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, xác định khâu đột phá. Mặt khác, nếu đầu tư tuần tự, manh mún, sẽ rất khó để hoàn tất các tiêu chí của một “thành phố thông minh”.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông Hà Nội còn đang thiếu vắng loại hình tàu điện trên cao. Hiện nay, thành phố mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa 13km đường tàu điện trên cao đầu tiên vào vận hành. Gần đây, Hà Nội đã có quy định bắt buộc dự án nhà cao tầng phải có 3 tầng hầm để xe.

Trong khi đó, quy mô dân số và tổng lượng phương tiện tham gia giao thông không ngừng gia tăng; quy hoạch kiến trúc đô thị chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Những bất cập đó sẽ là bài toán giao thông hóc búa cho bất cứ “tổng công trình sư” nào với nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh.

Mô hình đô thị thông minh mà thành phố Hà Nội đang theo đuổi phải mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội. Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng chưa thể bằng lòng với thực tại, bởi khó khăn, thách thức còn ở phía trước.

Chưa thể có đô thị thông minh khi thanh toán dùng tiền mặt còn chiếm tỷ trọng lớn, đi kèm với sự thiếu chuyên nghiệp và tính minh bạch chưa cao trong giao dịch giữa chính quyền với người dân (G2C), giữa chính quyền với doanh nghiệp (G2B) và ngay trong các giao dịch thương mại, dân sự thường gặp.

Mức độ tự động hóa trong sản xuất và mức độ tiện nghi trong đời sống sinh hoạt của đại bộ phận nhân dân còn khiêm tốn. Kết cấu đô thị với giao thông công cộng giữ vai trò chủ đạo trong lựa chọn di chuyển của người dân, cũng như quản lý và điều hành giao thông hoàn toàn dựa trên Big Data, Blockchain còn chưa phổ biến.

Đặc biệt, nhân tố quyết định đô thị thông minh là lớp công dân điện tử còn đang trong giai đoạn tiềm năng. Đây là nhân tố quyết định bởi chính họ xây dựng đô thị thông minh và đô thị thông minh có mục đích cao cả là phục vụ tối đa nhu cầu của con người, lợi ích của xã hội.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Đặng Vũ Tuấn khẳng định, việc tổ chức tốt xây dựng dữ liệu hạ tầng thành phố thông minh sẽ cho một cái nhìn toàn diện về Hà Nội, giúp phân tích, xử lý trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ các lĩnh vực và từ các nguồn dữ liệu khác, cho phép lãnh đạo thành phố đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ nhất. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội chú trọng xây dựng dữ liệu hạ tầng thành phố thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.