(HNMO) - "Thành phố Hà Nội chưa phải tính phương án nhập khẩu thịt lợn, do nguồn cung mặt hàng này đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Tết năm nay, người tiêu dùng vẫn được đáp ứng đầy đủ nhu cầu thịt lợn và sẽ không có việc khan hiếm", bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.
- Giá thịt lợn hơi trong những ngày đầu năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ. Bà đánh giá thế nào về tình hình giá thịt lợn trên thị trường trong những ngày trước Tết Nguyên đán?
- Sau những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, từ cuối tháng 12 - 2019 đến nay, giá thịt lợn đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc (giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng; Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến là 93.000 đồng/kg).
Nhìn chung, dù giá thịt lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối lớn trên địa bàn thành phố như Big C, Co.opmart đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.
- Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cho biết, việc nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11-2019 có chiều hướng tăng mạnh do nhu cầu mặt hàng này tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Thành phố có cân nhắc nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để bình ổn giá trong nước không, thưa bà?
- Hà Nội hiện chưa cần tính đến phương án nhập khẩu, do người dân chưa quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, thịt đông lạnh, dành sự quan tâm chủ yếu cho thịt tươi. Hơn nữa, các loại thịt mà người dân hay sử dụng như thịt ba chỉ, nạc thăn... gần như không nhập được về Việt Nam; chỉ có phần thịt các nước không dùng đến như thịt vai, xương, chân giò, họ mới xuất khẩu. Thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, trong 11 tháng của năm 2019, nhập khẩu thịt lợn qua Hải quan Hà Nội đạt 64,4kg (là hàng mẫu) và đến thời điểm này, không có thịt lợn nhập khẩu. Lượng thịt lợn thương phẩm chủ yếu được các doanh nghiệp nhập khẩu bằng container đi theo đường biển vào các cảng tại Quảng Ninh, Hải Phòng...
Ngoài ra, giá nhập khẩu thịt lợn trước đây chỉ có 2 USD, nhưng giờ đã lên 4-4,3 USD/kg, tương đương 150.000-160.000 đồng/kg khi về đến Việt Nam. Vì vậy, giá trị kinh tế không cao, khi đưa ra thị trường, người dân cũng không mặn mà.
Thậm chí, một số doanh nghiệp giết mổ vẫn đang có lượng thịt lợn cấp đông lớn được dự trữ đề phòng nguồn cung không bảo đảm từ khi bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, việc tiêu thụ loại thịt này cũng rất chậm.
- Xin bà cho biết thành phố Hà Nội sẽ chuẩn bị nguồn cung từ đâu để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán?
- Sở Công Thương đã xác định nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong 2 tháng Tết là khoảng 44.600 tấn thịt hơi (tương đương 23.000 tấn thịt lợn/tháng). Do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn đều giảm mạnh. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, từ ngày 1 đến 16-12-2019, sản lượng lợn hơi xuất chuồng là 11.125 tấn, dự kiến cả tháng là 22.250 tấn.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các tỉnh, trong tháng 1-2020, các tỉnh có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng 43.000 tấn thịt lợn (tăng 80% so với nhu cầu nhập từ các tỉnh), nên bảo đảm nguồn cung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân tháng Tết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tích cực rà soát các quận, huyện, thị xã, bảo đảm đủ thời gian sau 30 ngày không mắc dịch bệnh để cho tái đàn trở lại với tổng cộng khoảng 300.000 con lợn, đáp ứng một nửa số lượng phải tiêu hủy trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Nguồn cung mặt hàng thịt lợn đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng của tháng 12-2019 tăng so với tháng trước, do số lượng lợn đến lứa xuất chuồng và nhu cầu của người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường thu mua lợn từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.
Như vậy, Tết năm nay, người tiêu dùng vẫn được đáp ứng đầy đủ nhu cầu thịt lợn và sẽ hoàn toàn không có việc khan hiếm.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ghi nhận của phóng viên ngày 4-1-2020, tại siêu thị Mega Market Hà Đông có 1 quầy dành riêng bán thịt lợn nhập khẩu.Trung bình cứ 10 người xem thì có 1-2 người chọn 1 khay thịt đông lạnh về ăn thử. Cũng như các loại thịt khác, thịt lợn nhập được cắt thành từng miếng có trọng lượng khác nhau, song đa phần đều đóng gói 1kg trở lên. Chị Hoàng Thị Hà (trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông) chia sẻ: "Gia đình tôi chưa mua thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị bao giờ. Nếu giá thịt lợn trong nước tiếp tục tăng, nhất là vào dịp Tết sắp đến thì tôi sẽ mua thịt nhập khẩu về sử dụng". Tại siêu thị Mega Maket Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm), giá thịt lợn nhập khẩu rẻ so với thịt lợn Việt Nam. Cụ thể, sườn sụn lợn giá 109.000/kg, mua từ 3kg trở lên thì giá 92.000 đồng/kg; thịt ba chỉ giá 154.900 đồng/kg; sườn non heo giá 169.900 đồng/kg.... Tuy nhiên, tại một số siêu thị như, Vinmart, Vinmart +, siêu thị T Mark đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm), siêu thị Thành Đô (quận Nam Từ Liêm)... chưa có thịt lợn nhập khẩu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.