Sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhiều mặt của các cơ quan chức năng và cộng đồng thời gian qua góp phần tạo động lực, điểm tựa để người gặp khó vươn lên, an yên đón Tết. Bước sang thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, họ gửi gắm nhiều hơn những ước vọng tươi đẹp, mong khó khăn dần lùi xa, tương lai thêm rộng mở.
Niềm vui bên những nếp nhà
Mùa xuân về mang theo niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Đối với các gia đình từng gặp khó khăn về nhà ở, niềm vui của các thành viên nhân lên.
Ông Trương Văn Kình, ngõ 88 phố Sơn Tây, phường Đội Cấn (quận Ba Đình) không giấu được niềm vui, khi năm nay, gia đình ông được đón xuân trong ngôi nhà mới. Theo lời kể, chỉ vài tháng trước, ông Kình phải sống trong căn nhà mái tôn vỏn vẹn 12m2, không có bếp và công trình phụ, ẩm cũ và mối mọt, tiềm ẩn rủi ro nếu không sớm được sửa chữa.
Góp phần chia sẻ khó khăn với gia đình ông Trương Văn Kình, năm 2023, Hội Chữ thập đỏ quận Ba Đình phối hợp với Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hỗ trợ 200 triệu đồng để ông Kình xây dựng nhà mới. “Nhờ có các nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi đã có nhà ở vững chãi, phấn khởi đón xuân mới Giáp Thìn”, ông Kình nói.
Cùng ở quận Ba Đình, gia đình bà Tống Thị Tân, ngõ 55 Hoàng Hoa Thám (phường Ngọc Hà) chưa từng nghĩ được đón xuân mới trong ngôi nhà mới, dù đó là mong ước nhiều năm của gia đình.
Bà Tân cho biết, khi chồng bà qua đời (năm 2018) cũng là lúc mẹ con bà mất đi trụ cột cả về kinh tế và tinh thần. Bản thân bà làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh. Vì thế, dù chứng kiến căn nhà có diện tích 30m2 xuống cấp từng ngày, nhưng gia đình không đủ khả năng tự sửa chữa, nâng cấp.
Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, thông qua phong trào “Tết nhân ái” Giáp Thìn 2024, Hội Chữ thập đỏ quận Ba Đình cùng các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn quận Ba Đình và phường Ngọc Hà huy động nguồn lực xã hội giúp gia đình bà Tân sửa chữa nhà ở. “ Với ngôi nhà ấm áp tình yêu thương được bàn giao trước thềm xuân mới này, chúng tôi mong cuộc sống của mẹ con bà Tân vơi đi những mối lo toan, nhọc nhằn. Tôi tin, các thành viên sẽ nỗ lực vươn lên không ngừng, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà Nguyễn Tú Anh bày tỏ.
Cùng thời điểm trước năm mới Giáp Thìn, gia đình ông Hoàng Văn Sỹ, tổ dân phố 21, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) phấn khởi đón nhận ngôi nhà mới với tổng số tiền xây dựng gần 350 triệu đồng. Kinh phí xây dựng do nhiều bên cùng hỗ trợ và gia đình huy động, vay mượn thêm. Tương tự, tại huyện Ba Vì, gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Trung Hòa (xã Thái Hòa) hân hoan đón xuân trong ngôi nhà còn vương mùi sơn mới.
Chia sẻ về hoàn cảnh, bà Hạnh cho biết, bà là phụ nữ đơn thân, bị khuyết tật, đã hết tuổi lao động, hiện đang sống cùng hai cháu mồ côi. Cảm thương với hoàn cảnh, các cơ quan chức năng cùng những tấm lòng hảo tâm giúp gia đình có căn nhà mới với kinh phí xây dựng gần 120 triệu đồng cùng một số đồ dùng thiết yếu. “An cư rồi, năm nay, tôi mong hai cháu sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mong cháu lớn hồi phục sức khỏe sau vụ tai nạn gây chấn thương nghiêm trọng, mong cháu nhỏ tiếp tục đi học sau thời gian phải tạm nghỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn”, bà Hạnh bộc bạch.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, hàng trăm gia đình trên địa bàn Hà Nội đón nhận những ngôi nhà mới trước thềm xuân mới được xây dựng, sửa chữa bằng tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ của các cơ quan chức năng, của những tấm lòng hảo tâm với người gặp khó.
Nỗ lực vì một cuộc sống tốt hơn
Còn không ít các trường hợp gặp khó khăn khác cũng được tiếp thêm động lực, niềm tin để đi về phía trước.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới vào ngày đầu xuân, anh Dương Phú Nam, thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì (huyện ba Vì) cho biết, sau khi thoát khỏi hộ nghèo, chuyển sang cận nghèo, điều đầu tiên anh Phú Nam quan tâm là phải làm thế nào để có điểm tựa an sinh vững chắc. “Cứ nghĩ đến việc các thành viên trong gia đình không may bị ốm đau, bệnh tật mà không có tiền đi viện, đến tuổi già không có tiền tích lũy, không còn sức khỏe, không có lương hưu…, tôi lo lắm, nhưng lực bất tòng tâm”, anh Nam bày tỏ.
May mắn đến, khi anh Phú Nam là một trong những trường hợp được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) có thời hạn 3 lần liên tiếp, lần gần nhất vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Cộng dồn những lần được hỗ trợ, cuốn sổ BHXH của anh Phú Nam có thời gian tham gia 21 tháng. “Thấy rõ ý nghĩa thiết thân của việc tham gia BHXH lâu dài, năm 2024, tôi sẽ dành dụm những khoản tiền nhỏ, gom lại để đóng tiếp khi hết thời gian được tặng sổ miễn phí”, anh Nam khẳng định.
Tương tự anh Dương Phú Nam, hàng nghìn người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội đã, đang và sẽ được thành phố Hà Nội tạo điểm tựa an sinh thông qua các chính sách hỗ trợ, chương trình tặng sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế… Với chính sách này, năm 2024, người dân mong muốn cơ quan BHXH thành phố tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sao cho hấp dẫn hơn đối với nhóm người tham gia theo hình thức tự nguyện. “Nếu BHXH tự nguyện có thêm chế độ ốm đau, thai sản, gần giống như BHXH bắt buộc, tôi chắc chắn nhiều người sẽ tham gia”, chị Nguyễn Thanh Ngân, tổ dân phố 10, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nói.
Với người gặp khó thuộc đối tượng bảo trợ, người cao tuổi, cùng với sự nỗ lực của bản thân, họ cùng chung mong ước tiếp tục đón nhận sự quan tâm từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Thảo, trú tại thôn 4, xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho hay: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, trong khi con trai tôi bị bại não, khuyết tật vận động. Nếu thiếu sự hỗ trợ từ nhiều phía, không biết cuộc sống của gia đình tôi sẽ thế nào. Mong rằng, gia đình tôi trong năm mới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng".
Không khó để nhận thấy, ước vọng của các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dịp đầu xuân mới cũng là vấn đề trăn trở của các cơ quan chức năng, của cộng đồng xã hội. Và các bên sẽ tiếp tục chung tay triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điểm tựa cho người gặp khó vươn lên. Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn thành phố giảm 380 hộ nghèo; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.