(HNM) - 10 năm cầm quyền của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili đang trôi qua trong sự giận dữ của dân chúng với làn sóng biểu tình đòi
Làn sóng biểu tình đòi Tổng thống M.Saakashvili từ chức tại thủ đô Tbilisi tiếp tục dâng cao trong những ngày đầu năm mới 2013.
Hiện tại, các tổ chức xã hội Gruzia đi đầu là phong trào "Vì các quyền xã hội" (EPO) đã thu thập được gần 800.000 chữ ký yêu cầu Tổng thống M.Saakashvili từ chức ngay lập tức. Trong trường hợp "người hùng" của cuộc "cách mạng Hoa hồng" không tự nguyện rời bỏ quyền lực, phe đối lập Gruzia tuyên bố sẽ phát động ngày phản kháng toàn quốc vào ngày 20-1 tới và sau đó sẽ là các cuộc xuống đường rộng khắp trên quy mô cả nước. Những người biểu tình cảnh báo sẽ phong tỏa lối vào dinh thự Tổng thống tại thủ đô Tbilisi nếu đòi hỏi của họ không được chấp nhận. Theo các nhà phân tích, sở dĩ phong trào phản kháng ngày càng trở nên quyết liệt và lan rộng vì các cử tri của Gruzia đã không còn đủ kiên nhẫn chờ tới thời điểm nhà lãnh đạo ưa phiêu lưu mạo hiểm này kết thúc nhiệm kỳ dù chỉ còn 9 tháng nữa.
Trên thực tế, dù đảng Giấc mơ Gruzia của tỷ phú Bidzina Ivanishvili giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử vừa qua đã nắm phần kiểm soát đa số ghế Quốc hội nhưng các điều khoản sửa đổi Hiến pháp - trao nhiều quyền lực hơn cho cơ quan lập pháp và thủ tướng chính phủ - chỉ có hiệu lực sau cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 10-2013. Do vậy, Tổng thống M.Saakashvili, người từng được phương Tây hậu thuẫn và hết lời ca tụng như "một người hùng" - nhà cải cách dân chủ - vẫn còn nắm nhiều quyền hành trong tay. Nhất là quyền "điều binh khiển tướng" nếu nền an ninh quốc gia bị đe dọa, nguy biến.
Tuy nhiên, vị thế tổng thống của ông M.Saakashvili chỉ còn là hình thức từ khi đảng Giấc mơ Gruzia thành lập nội các mới. Xung quanh và cả "hậu trường" của Tổng thống M.Saakashvili giờ đây gần như không còn bóng đồng minh nào vì đã có hàng chục cựu quan chức cao cấp của chính phủ, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Bộ trưởng Nội vụ, cựu Tham mưu trưởng quân đội, lần lượt bị bắt giữ vì những sai phạm trong thời gian nắm quyền. Văn phòng Tổng thống, Hội đồng an ninh quốc gia dưới quyền của ông M.Saakashvili cũng đã bị cắt giảm kinh phí do chính sách "thắt hầu bao" của tân Thủ tướng B.Ivanishvili. Bước vào đầu năm mới 2013, ngân sách chi trả cho các dịch vụ máy bay riêng của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh quân đội cũng đã không còn do quá tốn kém và chính phủ muốn sử dụng số tiền này mua thêm vũ khí, cải thiện điều kiện sống của quân nhân. Và mới đây nhất, ngay cả 9 đại sứ vốn là thành viên của Phong trào Dân tộc thống nhất (UNM) của Tổng thống M.Saakashvili cũng bị triệu hồi với lý do không phù hợp để tiếp tục chính sách đối ngoại của chính phủ mới...
Sở dĩ đa số người dân Gruzia không muốn nhìn thấy ông M.Saakashvili trên ghế tổng thống thêm một ngày nào nữa - dù "người hùng" đã ở trong tình cảnh "hữu danh vô thực" - là do những sai lầm trong suốt thời gian cầm quyền của ông khi mải mê đưa Gruzia vào "trò chơi địa - chính trị lớn" của các cường quốc khi vai trò của nước này tại khu vực lại được xem là rất giới hạn. Trong khi đó, các vấn đề cần phải chú trọng ở trong nước không được quan tâm đúng mức. "Thành quả" của 10 năm "cách mạng Hoa hồng" là một nền kinh tế Gruzia sụt giảm, thất nghiệp, tham nhũng gia tăng, khủng hoảng chính trị triền miên bởi các cuộc đấu đá nội bộ dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc. Đa số cử tri đều tỏ ra quá ngán ngẩm với những gì liên quan tới quá khứ "Hoa hồng". Nhiều người cho rằng, nếu ông M.Saakashvili tại vị ngày nào sẽ là vật cản trở lớn với đất nước bên bờ biển Đen bước vào thời kỳ mới - thời của "Giấc mơ Gruzia".
Tương tự như những gì diễn ra ở Ukraine - quê hương của "cách mạng Cam" và Kyrgyzstan với "cách mạng Hoa tulip" - con đường "Tây tiến" quá xa rời thực tế của "người hùng" M.Saakashvili đã không đem lại kết quả như nhiều người dân Gruzia từng mơ tưởng. Vì vậy, cuộc thoái trào như một cơn vỡ mộng đang lan nhanh tại các quốc gia từng lao theo "bánh vẽ" của các nhà chính trị mơ mộng như "người hùng" Gruzia là một kết cục từng được dự báo trước các cuộc "cách mạng sắc màu" một thời làm khuynh đảo cả không gian hậu Xô viết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.