Nhà báo Hữu Thọ: Phòng, chống tham nhũng phải làm từ trên xuống Vì sao tham nhũng chưa bị đẩy lùi và có mặt còn nghiêm trọng như Trung ương nhận định? Làm sao đẩy lùi tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng? Đó là những điều báo cáo chính trị cần làm rõ.
Nhà báo Hữu Thọ: Phòng, chống tham nhũng phải làm từ trên xuống
Vì sao tham nhũng chưa bị đẩy lùi và có mặt còn nghiêm trọng như Trung ương nhận định? Làm sao đẩy lùi tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng? Đó là những điều báo cáo chính trị cần làm rõ.
Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng không đẩy lùi được vì nó nằm trong nội bộ, mà nếu nằm trong nội bộ thì đó là cơ chế nuôi dưỡng chứ không phải là cơ chế đẩy lùi.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, việc gì cũng phải từ dưới làm lên, nhưng riêng việc phòng, chống tham nhũng phải làm từ trên làm xuống. Làm từ trên làm xuống, không có nghĩa tham nhũng cấp trên cao hơn cấp dưới nhưng để bảo đảm cấp trên trong sạch thì mới có đủ điều kiện kiểm tra trung thực, giám sát cấp dưới.
Thứ ba, cơ quan chống tham nhũng phải nằm ở Quốc hội. Xin nói thật, chống tham nhũng chủ yếu ở những người có chức có quyền, ở bộ máy cầm quyền cho nên ngân sách chi phí cho việc phòng, chống tham nhũng từ Chính phủ thì rất khó. Người ta đã nói, ai nắm cái bụng, nhiều khả năng nắm cái đầu cho nên cơ quan phòng, chống tham nhũng phải nằm trong Quốc hội, chịu sự phân bổ ngân sách của Quốc hội thì phòng, chống tham nhũng mới hiệu quả hơn, sự phản biện mới sắc sảo hơn.
Thứ tư, cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân. Vì thế cần phải luật hóa một số quyền của người dân. Đầu tiên, tôi muốn kiểm tra, giám sát anh, tôi phải có thông tin, vậy thì phải có luật cho người dân tiếp cận thông tin và phải bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời. Bên cạnh đó, phải có luật về trưng cầu dân ý. Ví dụ có việc hệ trọng liên quan đến đời sống của dân thì không phải chỉ có đại biểu Quốc hội mà tất cả người dân được trưng cầu ý kiến…
Thạc sĩ Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội:Chủ nghĩa yêu nước là cơ sở bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được chuẩn bị công phu, là nền tảng lý luận quan trọng định hướng con đường đi lên của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi thấy cần tham gia góp một số ý kiến về nội dung của Cương lĩnh. Trước tiên về những bài học lớn.
Bài học thứ nhất, đối với khẳng định “…chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”, theo tôi nên bổ sung thêm “chủ nghĩa yêu nước”. Có nghĩa đoạn này nên viết là “chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.
Bài học thứ hai, đoạn cuối “Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”. Theo tôi nên bỏ từ “mệnh lệnh” và bổ sung thêm ý “xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.
Ở phần phương hướng 1, cần bổ sung thêm nhân tố khoa học công nghệ, coi đây là nhân tố quyết định thành công của CNH, HĐH. Phương hướng này được viết lại “đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trên cơ sở phát triển mạnh khoa học công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức”. Phần phương hướng 8, cần bổ sung thêm và nhấn mạnh yếu tố nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, coi đây là khâu đột phá và nên viết lại là: “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lấy khâu đột phá là nâng cao chất lượng toàn diện của cán bộ, đảng viên”.
Nội dung nói về giáo dục, đào tạo; khoa học và công nghệ, theo tôi cần nói rõ, sâu về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, mục tiêu, mối quan hệ giữa giáo dục và đào tạo với khoa học và công nghệ. Vì thế cần khẳng định “Ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.