Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội

22/09/2010 06:13

Phó Giáo sư Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Nên cụ thể hóa tiêu chí văn minh, thanh lịch:

Phó Giáo sư Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Nên cụ thể hóa tiêu chí văn minh, thanh lịch

Tại mục VI của Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XIV trình Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XV có đề cập tới nội dung phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó có đưa ra 2 phần nhỏ là phát triển văn hóa và tiếp tục tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Có thể nói, dự thảo đã đề cập tới một nội dung được nhiều người quan tâm, song để thực hiện được điều này lại không hề đơn giản. Dự thảo có đề ra các nội dung như xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho những nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa người Hà Nội thấm sâu trong đời sống nhân dân; phát huy nét đẹp truyền thống của người Hà Nội có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm, tâm huyết, ứng xử có văn hóa… Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những khái niệm chung chung, trừu tượng, chúng ta không thể xây dựng được con người văn minh, thanh lịch khi chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể. Dự thảo cần cụ thể thế nào là văn minh, thanh lịch thông qua một số tiêu chí về ăn, ở, đi đứng, cách ứng xử giao tiếp; cách ứng xử với môi trường... Không thể có văn minh, thanh lịch khi người dân vẫn vứt rác ra đường, vẫn còn người nói tục, chửi bậy nơi công cộng. Có như vậy người dân mới dễ tiếp thu và khi nghị quyết ĐH được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Đảng bộ phường Kim Liên: Bổ sung thêm một số chỉ tiêu đến năm 2015

Trong dự thảo, phần đánh giá chung và bài học kinh nghiệm mới chỉ tổng quát thành tựu, cần đánh giá thêm những hạn chế, khuyết điểm cơ bản để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Trong phần bài học kinh nghiệm, dự thảo cần bổ sung thêm bài học về: tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài vì đây là nguồn lực rất quan trọng đã và đang tiếp tục hỗ trợ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Về phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015, ngoài nhận định bối cảnh quốc tế và trong nước, dự thảo cần tách riêng một tiểu mục về bối cảnh Thủ đô tại thời điểm 1000 năm tuổi và sau khi tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có tác động tích cực như thế nào tới đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Về các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015 nên bổ sung thêm một số chỉ tiêu về: huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở; quỹ nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp...

Ở mục 2 phần XI về đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, dự thảo chưa đề cập tới các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và xã hội đặc thù, đề nghị cần bổ sung ngay để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tất cả các tổ chức đoàn thể.

Ông Huỳnh Đỗ, Đảng bộ phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ: Cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao sức chiến đấu của chi bộ Đảng

Ở phần phương hướng nhiệm vụ, tôi rất phấn khởi khi Đảng bộ TP Hà Nội xác định là sẽ "Nghiên cứu xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị và thống nhất thực hiện trong toàn thành phố. Trước mắt, tập trung củng cố, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của chi bộ, mối quan hệ với chi hội đoàn thể trên địa bàn dân cư, tổ dân phố thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn".

Dự thảo xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới là rất đúng, rất trúng và phù hợp với nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Trong những năm gần đây, các chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt tốt nhưng chất lượng sinh hoạt ở một số nơi lại chưa cao, tác dụng yếu, làm giảm năng lực lãnh đạo, tính giáo dục và sức chiến đấu của chi bộ và đảng viên. Từ thực trạng đó, tôi đề nghị Đảng bộ TP cần có những giải pháp cụ thể để xây dựng "nền móng" thật tốt đó là chi bộ. Dự thảo cần nêu rõ: các cấp ủy phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, làm cho đảng viên nắm rõ được nghị quyết của Đảng, hiểu và xác định được vị trí, vai trò nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.