(HNM) - Tài sản trí tuệ do con người tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất và xuất hiện đa dạng, phong phú trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Bằng việc tạo ra giá trị so sánh và lợi thế cạnh tranh, tài sản trí tuệ ngày càng được quan tâm, được coi là một phần động lực phát triển nền kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Khác với trước đây tài sản trí tuệ thường được hiểu là hình thành trong những lĩnh vực khoa học hàn lâm, thì nay tài sản trí tuệ đã trở nên gần gũi, rõ ràng và trải rộng trong đời sống kinh tế - xã hội. Ví như, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã có 1.697 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, 834 giải pháp hữu ích, 2.221 kiểu dáng công nghiệp, 61.491 nhãn hiệu hàng hóa... Đặc biệt, lĩnh vực có thay đổi đáng kể phải nói đến là nông nghiệp, khi hàng loạt sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được hầu hết các địa phương triển khai...
Mong muốn đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữa tháng 7 vừa qua, UBND thành phố tiếp tục ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 với nhiều chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Với bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở ngày càng lớn, hội nhập ngày càng sâu với thế giới, thì việc phát triển tài sản trí tuệ càng đòi hỏi đáp ứng những yêu cầu mới, cao hơn.
Trước hết, việc tạo lập được mặt bằng chung về phát triển tài sản trí tuệ là rất quan trọng, cần cả hệ thống chính trị cũng như người dân có nhận thức đúng về lĩnh vực này. Theo đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh theo từng phân khúc, ở từng ngành, lĩnh vực, như trong ngành Giáo dục, trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tại những địa phương đang thực hiện chương trình OCOP hay đang phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực... Khi cả xã hội có nhận thức đúng, thì nhất định sẽ quan tâm dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này, từ đó mở đường cho tài sản sở hữu trí tuệ phát triển.
Mặt khác, quyền sở hữu trí tuệ tuy hiện diện đã lâu trong đời sống, song cơ chế, chính sách thì vẫn chưa theo kịp sự chuyển động của thực tiễn. Do đó, cấp thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân. Đơn cử như, các thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cần được đơn giản hóa, dễ hiểu với người dân, bảo đảm được quyền lợi cho các bên tham gia. Đặc biệt, cần đặt doanh nghiệp làm trung tâm để đề ra những chính sách có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới.
Thực tế, quyền sở hữu trí tuệ là lĩnh vực khó bởi mang nhiều yếu tố vô hình. Điều này càng đòi hỏi cơ quan chức năng quan tâm, thực hiện triệt để hơn nữa việc thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xét về mặt pháp lý, đây cũng là một bảo đảm tin cậy để thu hút các nguồn lực đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Khi các giải pháp từ phía cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng đã được triển khai, thì doanh nghiệp cũng cần nỗ lực kết nối tạo hiệu quả. Mỗi doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với đơn vị nghiên cứu cũng như tự thân sáng tạo để tài sản trí tuệ được bảo vệ và ứng dụng ngày càng nhiều, trở thành sản phẩm thương mại có tính cạnh tranh cao.
Tạo môi trường cho tài sản trí tuệ phát triển sẽ góp thêm động lực đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.