Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần hiện thực hóa mục tiêu

Gia Khánh| 03/04/2021 06:13

(HNM) - Sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội là sản phẩm công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nền tảng, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa đến kinh tế Thủ đô, như cơ khí, điện - điện tử, hóa nhựa, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm... Hầu hết doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực là doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đạt mức tăng trưởng cao và ổn định với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường...

Chương trình bình chọn doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực được UBND thành phố Hà Nội triển khai từ năm 2005. Đến năm 2015, thành phố Hà Nội đã chọn 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đến năm 2018, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực đến năm 2020, định hướng tới năm 2025; theo đó, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực… Đối tượng xét chọn sản phẩm cũng được mở rộng, như có doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về tăng trưởng, xuất khẩu, trình độ sản xuất cao.

Với những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, số doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ngày càng nhiều. Trong 3 năm (2018-2020), thành phố Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Doanh thu của số doanh nghiệp này trong năm 2020 đạt gần 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD. Đáng chú ý, trong năm 2020, đã thêm một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh thu lớn tham gia chương trình. Một mặt, các doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố nhưng mặt khác các doanh nghiệp coi đây là cuộc đua đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, từ đó đóng góp nhiều hơn cho kinh tế thành phố Hà Nội.

Năm 2021, Hà Nội tiếp tục đặt ra các mục tiêu cao hơn. Đó là chọn 25-30 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, đưa giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tăng 10-12% so với năm 2020, đóng góp 35-40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Để đạt mục tiêu này, rõ ràng các chính sách hỗ trợ của thành phố sẽ phải hiệu quả hơn và cần xây dựng kế hoạch riêng dành cho doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực - điều mà trước đây chưa làm được. Các chính sách hỗ trợ này cũng cần cụ thể, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Muốn vậy, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp tăng cường gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để tìm hiểu; có thể phân ra từng nhóm ngành, nghề, đối tượng doanh nghiệp khác nhau để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Mặt khác, các cơ chế, chính sách cũng cần mang tính khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp thi đua đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm mới có giá trị ngày càng cao; giúp doanh nghiệp thấy được hiệu quả của chương trình mang lại như nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm, thương hiệu, từ đó mang lại doanh thu cao hơn. Ở đây, chính sách là “bệ đỡ”, còn doanh nghiệp phải phát huy nội lực, đầu tư để phát triển.

Phát triển sản xuất công nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Chọn và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra là đến năm 2025 Thủ đô cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.