Doanh nghiệp

Doanh nghiệp công nghiệp chủ lực Hà Nội: Kết nối để thúc đẩy xuất khẩu

Thanh Hiền

Chiều 16-10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn năm 2024.

“Hội nghị là cơ hội giúp các doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu, phát triển thị trường, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay.

16-10-anhspcl3.jpg
Hà Nội tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp thành phố với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Ảnh: Thanh Hiền

Ông Nguyễn Văn Thuật, đại diện Công ty Hyundai Kefico Việt Nam cho biết: "Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện điện tử thông minh cho ô tô, để duy trì được giá cạnh tranh của sản phẩm, chúng tôi đã thành lập Ban nội địa hóa nhằm tìm kiếm nguồn cung linh kiện từ các nhà cung cấp tiềm năng tại Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế; các linh kiện phải bảo đảm được độ chính xác, độ sạch cao".

Hiện, có 30 nhà cung cấp, hầu hết là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Còn lại các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 2,3%. Các linh kiện lắp ráp bao gồm tất cả các sản phẩm từ gia công, dập, đúc, cuốn dây, điện tử, lò xo… phục vụ cho tất cả các ngành.

Sản phẩm máy lọc nước nóng lạnh RO của Tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Thanh Hiền.
Sản phẩm máy lọc nước nóng lạnh RO của Tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Thanh Hiền

Còn theo đại diện Samsung Việt Nam, Samsung đang triển khai các chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp, đào tạo nhân lực cho ngành khuôn mẫu, đào tạo và hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh…

Các chương trình trên đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hội nghị là hoạt động thiết thực, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội tiếp xúc, giao lưu, hợp tác, kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhằm đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu, phát triển thị trường.

Các doanh nghiệp Hà Nội có thêm cơ hội tìm hiểu, tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại của các nhà sản xuất trong và ngoài nước, qua đó, đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các doanh nghiệp FDI, tập đoàn doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 289 sản phẩm của 191 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô.

Các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực phần lớn là những đơn vị có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.

Để đạt được thành công này, các doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó, tăng năng suất lao động, phát triển bền vững ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Hà Nội. Trong đó nêu rõ, 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thành phố Hà Nội.

ÔngNguyễn Đình Thắng cho biết thêm, để giúp doanh nghiệp phát triển, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến mẫu mã. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghiệp chủ lực Hà Nội: Kết nối để thúc đẩy xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.