Xã hội

Góp phần cảm hóa những mảnh đời từng lầm lỡ

Minh Vũ 27/09/2023 - 07:49

Hành trình đưa những người từng vướng vào ma túy từ bỏ con đường lầm lỡ, tìm hướng làm lại cuộc đời luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy cùng lực lượng cán bộ, tình nguyện viên ngoài cộng đồng.

Mỗi người một phần việc, họ quan tâm, ứng xử với học viên, hội viên như bạn bè, người thân, tạo môi trường tích cực cho những người từng lầm lỡ hướng thiện.

cai-nghien-ma-tuy.jpg
Học viên lao động trị liệu tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (huyện Ba Vì).

Tạo môi trường thân thiện, tích cực

Để có thể làm lại cuộc đời, trước hết người nghiện, người sử dụng ma túy cần điều trị cai nghiện. Trong quá trình tìm lại chính mình, hằng ngày, hằng giờ, học viên gắn bó, tiếp xúc với những cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy và đón nhận từ họ sự quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt.

Thấu hiểu điều này, đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, coi học viên như người thân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Chẳng hạn, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì), nhiều học viên dành tình cảm đặc biệt cho Đội trưởng đội 1, Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng Hoàng Ngọc Tuấn. Suốt hành trình gần 20 năm làm nhiệm vụ quản lý các đối tượng người nghiện ma túy, ông Tuấn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với công việc, sự ân cần, gần gũi với đối tượng.

Quá trình công tác, có những thời điểm dù đối tượng quản lý khá đông, là những người có quá khứ lầm lỡ, nhân thân phức tạp, song ông Tuấn cùng các đồng nghiệp luôn dùng tấm lòng chân thành để cảm hóa họ. Mưa dầm thấm lâu, không ít học viên được tiếp thêm động lực, niềm tin vào những điều tốt đẹp, nỗ lực điều trị, làm lại cuộc đời…

Với những cống hiến thầm lặng, ông Hoàng Ngọc Tuấn nhận về nhiều phần thưởng quý giá, được học viên coi như người anh, người thầy đáng kính, được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, cấp trên tin tưởng.

“Đồng chí Hoàng Ngọc Tuấn là một trong những cán bộ tích cực, đảng viên gương mẫu, hết lòng vì công việc, là tấm gương để cán bộ trẻ học tập”, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật đánh giá.

Cũng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc cơ sở Nguyễn Văn Phú là tấm gương điển hình cho sự tận tâm trên hành trình cảm hóa những mảnh đời từng lầm lỡ. Ông Phú vừa được luân chuyển công tác sang đơn vị khác, nhưng lề lối, tác phong làm việc mà ông dày công xây dựng trong thời gian công tác tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội trở thành “con đường” để thế hệ sau tiếp bước.

Còn tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì), ông Nguyễn Quang Sơn được biết đến là một trong những người điều trị “mát tay”, giúp học viên sớm cắt cơn, hồi phục sức khỏe, tích cực tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, bồi đắp đời sống tinh thần.

Chia sẻ về công việc, ông Quang Sơn nói: “Tôi cũng như các đồng nghiệp khác luôn ứng xử với học viên như anh em, bạn bè, tạo sự gần gũi, tin tưởng. Mỗi khi tiếp xúc với học viên, chúng tôi thường nói về những điều tích cực, giúp học viên thấy cuộc sống bên ngoài có biết bao nhiêu điều ý nghĩa, qua đó nỗ lực điều trị để sớm trở về bên gia đình, cộng đồng”.

Ngoài những dẫn chứng kể trên, những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô ghi nhận nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều ý tưởng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Điều này góp phần mang đến môi trường điều trị cai nghiện thân thiện, tích cực cho học viên.

Tăng cơ hội làm lại cuộc đời

Sau thời gian điều trị cai nghiện trở về cộng đồng, những mảnh đời từng vướng vào ma túy tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều phía để hạn chế bị tái nghiện, tăng cơ hội làm lại cuộc đời. Trong đó, sự giúp đỡ trực tiếp và thường xuyên đến từ thành viên các câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng (Câu lạc bộ B93) được thiết lập tại nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội mang lại hiệu quả tích cực.

Tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), nhiều người dân nơi đây quá quen thuộc với hình ảnh Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 Bùi Văn Hiền lúc đi xe máy, khi lại đi bộ đến gặp gỡ các hội viên của câu lạc bộ với thái độ thân quen như thành viên của gia đình họ.

Thông qua những câu chuyện chung, chuyện riêng, ông Hiền khéo léo thăm hỏi, nắm bắt thông tin về các hội viên, qua đó có phương án động viên, giúp đỡ người sau cai nghiện tìm lại chính mình sao cho hiệu quả. Người thiếu điểm tựa tinh thần nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, người cần sinh kế được tạo thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn vay để giải quyết việc làm. Cứ thế, ông Bùi Văn Hiền cùng các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 xã Yên Viên đã góp phần mang đến cơ hội đổi thay cuộc sống theo hướng tích cực đối với nhiều trường hợp sau cai nghiện.

Với cách làm tương tự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Ninh Thị Hồng trở thành điểm tựa niềm tin của hội viên tham gia sinh hoạt câu lạc bộ cũng như gia đình của họ. Trường hợp khác là Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) Trịnh Thị Nhung cùng các “cộng sự” giúp hội viên N.Q.B ở phố Hàng Đào; hội viên T.P.H và V.Đ.C ở phố Hàng Ngang có việc làm, mang lại thu nhập...

Ngoài các thành viên Câu lạc bộ B93, tình nguyện viên các đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn Thủ đô cũng luôn bền bỉ hỗ trợ, giúp đỡ những người từng vướng vào ma túy tìm lại chính mình. Sự chung tay của họ góp phần cùng các cơ quan chức năng đẩy lùi ma túy, giảm tác hại do ma túy đối với người sử dụng, gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần cảm hóa những mảnh đời từng lầm lỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.