Xã hội

“Cú hích” nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

Mai Hoa thực hiện 08/07/2023 - 07:30

Tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị thông qua Quy định một số nội dung, mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn Hà Nội (gọi tắt là Quy định).

Đây được coi là một “cú hích” nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi.jpg
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương thăm và chúc mừng lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập đơn vị này.

- Thưa đồng chí, việc HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua Quy định có liên quan đến công tác cai nghiện ma túy có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quản lý lĩnh vực này của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô?

- Trước tiên, việc này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khi mà Thông tư số 62/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 5-10-2022 quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, đã nêu rõ: “Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp xem xét quyết định mức hỗ trợ cao hơn, đối tượng mở rộng hơn ngoài chế độ quy định của Thông tư”. Vì vậy, chính sách do HĐND ban hành sẽ có tác động tích cực đối với công tác này, đặc biệt là quản lý người nghiện tại nơi cư trú, bởi phần lớn ngân sách dành cho các nhóm đối tượng do UBND cấp xã quản lý và triển khai.

- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn các nội dung chi và mức chi cụ thể theo Quy định mới được HĐND thành phố thông qua?

- Quy định này đưa ra nội dung, mức chi đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; người cai nghiện bắt buộc chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú; người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố; nội dung, mức chi hỗ trợ công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố. Tổng kinh phí bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết này dự kiến là hơn 51 tỷ đồng/năm (tăng hơn 23 tỷ đồng/năm so với trước đây).

Với chính sách đột phá trên, các cơ sở cai nghiện ma túy sẽ có nguồn để chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác cho người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (mức chi 120.000 đồng/người/năm). Định mức tiền ăn hằng tháng được tính bằng 0,8 mức lương cơ sở hiện hành. Ngày lễ, Tết dương lịch, người cai nghiện được ăn thêm bằng 3 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm bằng 5 lần tiêu chuẩn ngày thường; chế độ ăn đối với người cai nghiện bị ốm do giám đốc cơ sở cai nghiện quyết định theo chỉ định của nhân viên y tế điều trị, bằng 3 lần tiêu chuẩn ngày thường. Đặc biệt, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được áp dụng mức chi cho người cai nghiện về tiền quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh (đối với nữ), với mức chi bằng 0,9 mức lương cơ sở/người/năm.

Người cai nghiện bắt buộc, khi chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú, sẽ được hưởng mức chi hỗ trợ về tiền ăn, tiền tàu xe, hỗ trợ 1 bộ quần áo mùa hè hoặc 1 bộ quần áo mùa đông (tùy theo thời điểm người cai nghiện chấp hành xong quyết định). Các chính sách này cũng được áp dụng tương tự với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập tại Hà Nội.

- Như vậy, đây là một chính sách rất nhân văn của thành phố Hà Nội để tạo điều kiện cho người nghiện ma túy có thể hoàn lương. Đồng chí đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Đúng vậy. Trước đây, người cai nghiện tự nguyện chỉ được hỗ trợ 70% chi phí cai nghiện, gia đình hoặc bản thân người cai nghiện phải đóng 30% kinh phí còn lại. Trên thực tế, vẫn có một số người vào cai nghiện không có tiền để đóng góp, vì vậy chất lượng cai nghiện không bảo đảm, khó khăn cho cơ sở cai nghiện ma túy trong quá trình thực hiện, gây ra sự mất cân bằng trong sinh hoạt giữa các đối tượng cai nghiện tại cơ sở. Việc hỗ trợ này sẽ góp phần khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện.

Đặc biệt, nội dung, mức chi hỗ trợ công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng có nhiều điểm ưu việt, bao gồm: Hỗ trợ 1 lần kinh phí cai nghiện khi hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn theo quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP với mức hỗ trợ bằng 2 lần mức lương cơ sở. Cùng với đó, người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; người hỗ trợ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã theo phân công của chủ tịch UBND cấp xã được hưởng mức chi thù lao hằng tháng với mức hỗ trợ bằng 0,6 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

Với những nội dung rất thiết thực như vậy, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần tiếp tục thực hiện chính sách cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại Hà Nội ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, khuyến khích người nghiện ma túy tham gia các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cú hích” nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.