(HNM) - Cách đây vài ngày, trên nhiều tờ báo đưa thông tin Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một số ngân hàng thương mại khác đã họp báo, công bố cam kết một gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dành cho lĩnh vực xây dựng - bất động sản (BĐS).
Thông tin này lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, làm dấy lên nhiều kỳ vọng về "liều thần dược" trị giá 50 nghìn tỷ đồng này sẽ giúp thị trường BĐS "tan băng", nhất là cơ hội mua nhà của người dân sẽ rộng mở hơn… Đáng nói là trước khi các ngân hàng kia công bố hàng chục ngày giới truyền thông đã đề cập câu chuyện về gói cứu trợ BĐS cả trăm nghìn tỷ đồng sắp được tung ra.
Sau khi các ngân hàng có thông tin chính thức về gói tín dụng, lập tức Bộ Xây dựng lên tiếng "không chủ trì cũng không liên quan đến gói 50 nghìn tỷ". Như lãnh đạo VNCB cho hay thì chương trình do VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức nhằm mở thêm kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN) đầu tư BĐS, thông qua chuỗi liên kết "4 nhà" gồm: Chủ đầu tư - nhà cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) - nhà thầu - ngân hàng. Và VNCB cũng tuyên bố rằng gói 50 nghìn tỷ đồng là gói tín dụng thương mại bình thường, không phải là gói tín dụng ưu đãi dành cho người có thu nhập thấp! Còn Ngân hàng Nhà nước, mặc dù chưa rõ sẽ đóng vai trò ra sao nhưng một vị lãnh đạo ngân hàng đã nhận định, đây là một sản phẩm tốt để thúc đẩy, giải phóng tồn kho của xây dựng cơ bản - vốn liên quan đến hơn 200 ngành nghề, và "Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao mô hình này với các điểm tích cực như: Giảm hàng tồn kho trong xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho các dự án, hạn chế đầu tư dở dang, lãng phí, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành".
Sau một thời kỳ "đóng băng" kéo dài do ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế, mặc dù thị trường BĐS mới đây đã có một số chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn khá ảm đạm. Tồn kho BĐS và VLXD vẫn khá lớn. Đáng nói là việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chưa được như mong đợi. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, đến cuối tháng 2-2014 gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội mới chỉ giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng, đạt 4,02% giá trị. Sau 7 tháng triển khai, tiến độ như vậy rõ ràng là quá thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra, không đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, của người dân và cả nền kinh tế. Đáng nói là, do BĐS chưa "tan băng", nợ xấu vẫn cao, DN và người dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên đã xuất hiện dấu hiệu đổ vỡ niềm tin về thị trường BĐS. Nhà thầu không tin chủ đầu tư, nhà cung cấp vật liệu cũng không tin nhà thầu, khách hàng sợ bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn... Hậu quả là rất nhiều dự án bị dang dở, không ít DN đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí đã có chủ dự án phải bỏ trốn. Trong bối cảnh như vậy thì sự xuất hiện của gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dường như rất đúng thời điểm, vì vậy mà đã thu hút sự quan tâm, kỳ vọng của dư luận, nhất là các DN trong lĩnh vực xây dựng. Và như giải thích của ngân hàng chủ trì thì chuỗi liên kết "4 nhà" này sẽ củng cố thêm niềm tin cho thị trường BĐS, vì các đối tác tham gia sẽ kiểm soát chéo lẫn nhau, từ đó tăng thêm sức liên kết và tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Mặc dù nhận được nhiều ý kiến "vỗ tay vào", nhưng sự xuất hiện của gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cùng với chuỗi liên kết "4 nhà" cũng đặt ra một số vấn đề đáng suy nghĩ. Thứ nhất, tại lễ công bố gói tín dụng, lãnh đạo đơn vị chủ trì - Ngân hàng VNCB cũng công bố luôn danh sách 10 ngân hàng cùng tham gia liên kết, trong đó có nhiều tên tuổi lớn. Tuy nhiên, ngay sau đó một ngày, trả lời câu hỏi của báo chí, ít nhất có hai lãnh đạo ngân hàng có tên trong "bảng phong thần" của VNCB cho biết vẫn chưa nhận được thông báo gì của ngân hàng tổ chức (tức VNCB). Vậy vấn đề ở đây là gì? Phải chăng đây là chiêu PR nhằm khuếch trương thanh thế cho một ai đó? Và chính bởi tréo ngoe khó hiểu này nên có chuyên gia kinh tế cho rằng, thực chất của gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng là một con số "ảo", khó khả thi!
Một chuyện nữa cũng rất đáng lưu tâm, đó là vai trò của Tập đoàn Thiên Thanh - đơn vị đồng tổ chức gói tín dụng này cùng với VNCB. Trong chuỗi liên kết "4 nhà", Tập đoàn Thiên Thanh sẽ là nhà tổ chức cung ứng VLXD, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh VLXD đầu tiên trên cả nước, nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu là các chủ đầu tư, nhà thầu với các nhà sản xuất VLXD trên cả nước. Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB cho rằng, chuỗi liên kết "4 nhà" sẽ giảm thiểu sự rủi ro tín dụng cho các ngân hàng thương mại, đồng thời giảm giá thành dự án, giải phóng được hàng tồn kho BĐS. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Tập đoàn Thiên Thanh được lựa chọn làm trung gian? Có vẻ như chuỗi liên kết này đã tạo ra thế độc quyền cho một doanh nghiệp, còn các đơn vị cung ứng VLXD khác sẽ rất khó có cơ hội được tham gia "cuộc chơi". Vì vậy, đã có ý kiến lo ngại rằng, tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh như vậy sẽ dẫn đến hình thành nhóm lợi ích!
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của dư luận đối với gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng, cũng chính là vấn đề lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay, đó là nguy cơ tiếp tục gia tăng tồn kho BĐS. Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng trình Chính phủ, tính đến cuối tháng 2-2014, tổng giá trị tồn kho BĐS của cả nước vào khoảng 92.690 tỷ đồng, chỉ giảm 1,87% so với tháng 12-2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 13.516 căn, tương đương hơn 24 nghìn tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là hơn 9,1 triệu mét vuông, tương đương gần 34 nghìn tỷ đồng; đất nền thương mại là trên 2 triệu mét vuông, tương đương hơn 6.100 tỷ đồng… Tuy nhiên, thống kê này mới chỉ cho thấy "phần nổi của tảng băng chìm".
Theo các chuyên gia kinh tế, số liệu tồn kho nói trên không phản ánh đúng tổng giá trị tồn kho của thị trường BĐS hiện nay; việc xác định hàng tồn kho của thị trường này cần xem xét lại và rất khó để có thể đánh giá đúng bằng những con số cụ thể. Lãnh đạo một công ty quản lý tài sản của một ngân hàng thương mại cho rằng, lượng hàng tồn kho của thị trường BĐS hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều so với con số khoảng 92.690 tỷ đồng Bộ Xây dựng đưa ra. Thống kê của Bộ Xây dựng là tập hợp từ báo cáo của các DN, mới chỉ dừng lại ở thị trường sơ cấp, trong khi đó lượng hàng tồn kho ở thị trường thứ cấp rất khó thống kê và mức độ dự báo là không nhỏ. Ý kiến này rất xác đáng, bởi thực tế cho thấy rất nhiều nhà đầu tư mua gom hàng, đầu cơ và chưa bán được cho người tiêu dùng thực sự. BĐS chỉ không còn là hàng tồn kho khi đến tay khách hàng thực sự có nhu cầu mua nhà để ở. Hơn nữa, như lãnh đạo VNCB đã tuyên bố, gói tín dụng này là gói tín dụng thương mại bình thường, chỉ dành cho các DN trong lĩnh vực xây dựng và giới đầu tư BĐS chứ không phải gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội. Rõ ràng là trong khi thị trường BĐS đang thừa mứa căn hộ, nhà ở phân khúc trung cấp và cao cấp, thì việc các ngân hàng "bơm" tiếp 50 nghìn tỷ đồng (và có thể sẽ còn lớn hơn nhiều) cho các DN và nhà đầu tư trong lĩnh vực này, nếu không có sự kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nguy cơ tiếp tục gia tăng tồn kho BĐS, vì vậy mục tiêu "phá băng" là khó khả thi. Thực tế thị trường đang cần nhiều hơn nữa các dự án nhà ở xã hội thì gói tín dụng này lại chỉ quan tâm đến phân khúc nhà ở cao hơn tầm với số đông người thực sự có nhu cầu. Không khó hình dung ra tình trạng "cầu" một đằng "cung" một nẻo sẽ khiến thị trường BĐS có nguy cơ "bất động" hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Hơn nữa, so sánh việc các ngân hàng hưởng ứng gói tín dụng 50 nghìn tỷ với những cam kết "cởi mở", "thông thoáng" về thủ tục với thực trạng giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng cũng cho thấy mức độ nhiệt tình khác hẳn nhau. Đáng nói là đối tượng cần nhà ở nhất hiện nay là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp và đang gặp khó khăn về nhà ở cũng không được đề cập trong gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng này…
Tất cả những biểu hiện trên cho thấy gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng dường như có vẻ đang "chệch hướng" Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ "Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu". Thực tế trên đang đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và các DN, nhà đầu tư cùng bàn bạc, xem xét nhằm tìm ra giải pháp đúng và phù hợp cho thị trường BĐS trên tinh thần vướng mắc đâu tháo gỡ đó. Có như vậy mới hy vọng "phá băng" được thị trường BĐS, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.