(HNM) - Khi bạn đọc cầm trên tay tờ báo này thì đã khoảng hơn 60 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ khi xảy ra cơn dông lốc kinh hoàng tại Hà Nội vào chiều 13-6. Vẫn biết, khó có thể lường trước những hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu mà cơn dông lốc vừa qua là ví dụ điển hình, nhưng thiệt hại về người và tài sản như vậy là quá nghiêm trọng. Chắc chắn điều đó sẽ khiến không ít người phải suy nghĩ, bởi bên cạnh những chuyện chúng ta đã tính toán và dự báo, lại có những việc cũng cần nghiêm túc kiểm tra, rà soát, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
Hơn một nghìn gốc cây đổ chỏng chơ, lật những bộ rễ chùm nông choèn lên khỏi mặt đất, cho thấy đã có thời gian việc trồng cây xanh đô thị chưa được coi trọng đúng mức, ấy là không muốn nói rất tùy tiện. Chủng loại cây trồng không khoa học đã đành (trồng cây rễ chùm, không trồng cây rễ cọc; cây thân giòn và mềm…), một số cây trồng lại hết sức cẩu thả, vô trách nhiệm khi bầu rễ không được xử lý, còn nguyên lưới bưng đất và dây gai chằng buộc. Chắc không khó để quy kết trách nhiệm các đơn vị, cá nhân đã thực hiện công việc này cũng như những cá nhân, đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Như báo cáo sơ bộ ban đầu, trong hơn một nghìn cây đổ chỉ có gần bốn chục cây xà cừ nhưng để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng mà trường hợp ở 48 phố Hai Bà Trưng là ví dụ. Đây là chuyện đã được cảnh báo và cho thấy việc triển khai Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị tại Hà Nội là hết sức cần thiết. Cùng với đó, bên cạnh việc tham khảo, trưng cầu ý kiến của người dân, của các nhà khoa học thì đề án cần sớm triển khai theo lộ trình thời gian cụ thể, không thể chần chừ, chậm chạp như một dự án xây dựng cảng hàng không mà mất 18 năm từ khi có ý tưởng vẫn chưa thể tổ chức thực hiện. Mặt khác, với cơ quan chức năng, công việc cắt tỉa cây xanh, chặt hạ, thay thế cây mục ruỗng, cây đã chết khô phải được thực hiện thường xuyên liên tục, hạn chế tới mức thấp nhất sự nguy hiểm có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi bất thường.
Cũng qua cơn dông lốc vừa xảy ra, nhiều cột điện đã bị gãy, đổ, một số do đã quá già nua theo thời gian, số khác do đang phải oằn mình chịu tải khi có quá nhiều "rác trời" là các loại đường dây vô chủ, không còn chức năng sử dụng. Điều đó cho thấy, việc bó gọn và dọn sạch "rác trời" mà cơ quan chức năng đã và đang thực hiện không chỉ vì trật tự, mỹ quan thành phố mà còn vì sự an toàn của người dân đô thị. Tương tự như thế, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cấp phép treo biển quảng cáo cũng cần rà soát lại công việc của mình khi trên địa bàn thành phố hiện nay còn tồn tại khá phổ biến tình trạng quảng cáo trái phép, sai quy chuẩn. Ấy cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều biển quảng cáo trở thành mối họa lơ lửng trên không, có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào cho người dân trong mùa mưa bão. Thực tế cũng đã có những trường hợp thương vong, thậm chí có người xấu số bị cướp đi tính mạng mà không biết quy kết trách nhiệm cho ai?
Nêu vài chuyện để thấy, cơn dông lốc đã kết thúc nhưng đã mở ra hàng loạt vấn đề mà các cơ quan chức năng cần suy nghĩ về nhiệm vụ của mình để có hành động khẩn trương, kịp thời, tránh chuyện việc đã rồi mới ngồi tính toán xem trách nhiệm thuộc về ai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.