(HNMO) – Nhiều ý kiến có tính gợi mở của các thế hệ văn nghệ sĩ Thủ đô được chia sẻ tại cuộc hội thảo “Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 16-8, tại Hà Nội.
Đây là hoạt động quan trọng của giới văn nghệ sĩ Thủ đô nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng, tăng cường đào tạo đội ngũ kế cận cho văn học, nghệ thuật Hà Nội; tăng tính hiệu quả cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật mới; góp phần xây dựng, phát triển con người Thủ đô văn minh, thanh lịch.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã nêu bật những thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước và Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực, sự tác động đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đời sống sáng tác. Nhiệm vụ của người sáng tác văn học, nghệ thuật là phát hiện, nâng niu, bảo vệ và khẳng định cái mới, cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống, đồng thời phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái phi nhân tính thông qua tác phẩm.
Với kinh nghiệm, tài năng, bản lĩnh, tầm nhìn, các văn nghệ sĩ Thủ đô như Vũ Quần Phương, Nguyễn Đỗ Bảo, Bùi Thanh Trầm, Ứng Duy Thịnh, Đặng Đình An, Phan Thị Thanh Nhàn… đã khẳng định, dòng mạch chính trong đời sống văn học, nghệ thuật Thủ đô thời kỳ này vẫn là chủ nghĩa yêu nước, sự gắn bó dân tộc, phản ánh đời sống, đấu tranh, xây dựng Thủ đô và đất nước.
Mỗi lĩnh vực có cách thể hiện những vấn đề này riêng, nhưng muốn tạo ra tác phẩm đáp ứng tốt nhu cầu công chúng hiện nay thì người sáng tác phải có phương thức biểu hiện mới, sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tăng tính hấp dẫn về nội dung…
Các đại biểu cũng đã đi sâu phân tích và gợi mở một số quan điểm sáng tác trong từng lĩnh vực để đạt hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.