(HNM) - Chỉ trong 15 ngày, đã có hai sự điều chỉnh giá tác động trực tiếp đến cả người dân và khối sản xuất kinh doanh: Thứ nhất, từ 20h ngày 17-7, xăng dầu tăng thêm 500 đồng/lít. Thứ hai, kể từ ngày 1-8, giá bán điện bình quân tăng 71,85 đồng/kWh, lên 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đã áp dụng trước kia (lần gần đây nhất, ngày 22-12-2012, giá điện tăng 5%, lên bình quân 1.437 đồng mỗi kWh).
Cũng như xăng dầu, điện là năng lượng thiết yếu đối với người dân và là năng lượng đầu vào của doanh nghiệp. Giá điện tăng tất yếu ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân và chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Phản ứng theo chiều hướng không đồng tình cũng là tất yếu. Sau quyết định tăng giá điện, có hai nhóm đối tượng cần quan tâm là hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và khu vực sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có tiềm lực tài chính yếu, lại đang rất "nhạy cảm" trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nói cách khác, đây là hai nhóm đối tượng rất dễ bị tổn thương.
Theo Thông tư 19/2013/TT-BCT ngày 31-7-2013 của Bộ Công thương quy định về giá bán điện, hộ nghèo và thu nhập thấp - đối tượng vốn dễ bị tổn thương nhất - ít bị ảnh hưởng nhất bởi quyết định tăng giá điện lần này. Theo đó, giá bán lẻ điện cho bậc thang đầu tiên (0-50 kWh) áp dụng cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp ở mức 993 đồng/kWh; giá bán buôn điện sinh hoạt nông thôn tính theo mức sử dụng bình quân của một hộ nghèo và thu nhập thấp trong tháng sau công tơ tổng là 807 đồng/kWh... Trên thực tế, trong năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bán điện cho trên 2,9 triệu hộ nghèo và hộ thu nhập thấp trên phạm vi cả nước (trong tổng số 19,8 triệu khách hàng) theo đúng chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ. Như vậy, đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi quyết định tăng giá điện cũng ít chịu tác động nhất bởi Thông tư 19/2013/TT- BCT.
Cả nước hiện có 457.350 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn hạn chế về khả năng tài chính, yếu kém về trình độ công nghệ. Theo một khảo sát do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thực hiện gần đây nhất về tình hình sử dụng thiết bị - công nghệ và tư vấn công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, đa số sử dụng công nghệ của những năm... 80 của thế kỷ trước. Tại TP Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế cả nước, nơi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động - kết quả một khảo sát tại 400 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, chỉ 13% có trình độ công nghệ từ... trung bình khá trở lên, tới 51% ở mức yếu. Một khảo sát khác của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho kết quả không mấy khả quan: Khoảng 76% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và "chào đời" giai đoạn 1980-1990; 75% đã hết khấu hao. Chính công nghệ lạc hậu đã khiến các doanh nghiệp tiêu tốn nhiều điện năng trong sản xuất - yếu tố đẩy giá thành sản phẩm lên cao và làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là điều khiến một lãnh đạo ngành điện từng phải than thở là "sự phát triển ồ ạt của doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu (bất kể đó là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ hay công nghiệp nặng như thép, xi măng...) đã phá vỡ quy hoạch ngành điện". Nghiêm trọng hơn, đây chính là khe hở khiến nước ta đang có nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ của thế giới.
Tăng giá điện, ở góc nhìn khác, là yếu tố buộc doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Đây cũng là điều mà trong buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 30-7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá, nếu giá điện thấp thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện, hậu quả là nền sản xuất của Việt Nam sẽ lạc hậu. Mặt khác, Nhà nước không thể bao cấp mãi giá năng lượng, bao gồm xăng dầu, điện... mà phải điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước... như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trong buổi sơ kết của Bộ Tài chính mới đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.