(HNM) - Nhiều doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn trong đáp ứng những yêu cầu mới khắt khe về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy. Cơ quan chức năng của hai địa phương này đang nỗ lực hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở gỡ khó để vừa bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn mới
Quý I-2023, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy cho 21 công trình và nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy cho 57 công trình, chủ yếu là nhà xưởng công nghiệp. Tuy nhiên, có hơn 30 doanh nghiệp trong số này không được nghiệm thu, do nhiều nguyên nhân.
Đơn cử, khu nhà xưởng rộng 1.400m2 của Công ty TNHH B.V.N. (chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí) tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, do sử dụng sơn chống cháy không đúng quy định. Bà Đỗ Thị Thùy Dương, Quản lý bộ phận hành chính Công ty B.V.N. cho hay, khi thiết kế, xây dựng, đơn vị tư vấn áp dụng sơn tiêu chuẩn cũ. Đến khi thi công, sơn này không đạt theo tiêu chuẩn mới, nên không được nghiệm thu.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Cường cho hay, nhiều cơ sở khác cũng mắc lỗi về sơn chống cháy như Công ty B.V.N. Số còn lại không được nghiệm thu do chưa cập nhật tiêu chuẩn mới. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 3 năm (2020, 2021 và 2022), Bộ Xây dựng liên tục ban hành 3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình, với các thông số kỹ thuật thay đổi liên tục, khiến doanh nghiệp không kịp nắm bắt để thực hiện.
Còn theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh, quý I-2023, qua kiểm tra có tới 68% số cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị tư vấn chưa cập nhật hết các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy; còn chủ đầu tư có tâm lý phó mặc cho đơn vị thi công.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Sông Hương Foods (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Lê Quốc Tuấn cho biết, công ty đã xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy đạt các tiêu chuẩn áp dụng trước năm 2020, đã được cơ quan chức năng nghiệm thu. Nhưng nay, khi áp dụng quy định mới, nhiều hạng mục lại không đạt. "Đơn cử như bể chứa nước chữa cháy cho nhà xưởng 2.000m2, nếu theo quy định mới, phải có dung tích lớn gấp đôi. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc đầu tư mới hệ thống phòng cháy, chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn mới thực sự là thách thức lớn", ông Tuấn nói.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Trong tháng 3 và đầu tháng 4-2023, các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Quan điểm của ngành Công an là linh động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết, các đơn vị tiếp tục làm việc với đại diện doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc cấp phép về phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn cách thức tháo gỡ. Theo đó, lực lượng Công an sẽ cùng doanh nghiệp xác định những thiếu sót cụ thể và lên lịch trình, hướng khắc phục. Còn Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã tập hợp những phát sinh từ thực tiễn, báo cáo tham mưu cấp trên xem xét giải quyết.
Từ thực tế tại các địa phương, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã ban hành Văn bản số 1091/C07-P3,P4,P7 ngày 11-4-2023 với nhiều quy định tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đơn cử, đối với các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế hay thi công theo quy chuẩn cũ thì được tiếp tục áp dụng. Khuyến khích áp dụng phiên bản quy chuẩn mới, nếu điều đó có lợi cho doanh nghiệp… Về vật liệu chống cháy, cơ quan Công an sẽ kiểm tra, thẩm định từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, không kiểm định khi thi công.
Về hướng giải quyết lâu dài, Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi các văn bản hướng dẫn mới được ban hành, những khó khăn, vướng mắc gặp phải thời gian qua sẽ được tháo gỡ một cách căn cơ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa, hướng giải quyết này của ngành Công an đã bước đầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đáp ứng quy định mới theo lộ trình và khả năng tài chính phù hợp. "Chúng tôi rất mong những hướng mở này sẽ sớm được luật hóa để doanh nghiệp căn cứ thực hiện", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.