Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ nút thắt hạn điền, tín dụng

Đức Duy| 14/03/2017 06:42

(HNM) - Phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn là xu thế tất yếu của ngành Nông nghiệp. Nhưng nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan tới chính sách hạn điền, tín dụng… đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân.


Mặc dù Chính phủ đã phê duyệt gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp, song thực tế còn chưa có tiêu chí rõ ràng về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thiếu các văn bản hướng dẫn về giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, như nhà kính, nhà lưới… Đây chính là điểm nghẽn trong việc triển khai gói tín dụng này. Bên cạnh đó, còn là những vướng mắc liên quan tới hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hằng năm từ lúa sang các loại cây khác…

Nhìn lại 5 năm qua, kể từ khi Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 2-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững... đi vào cuộc sống, nền sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa xác định tầm quan trọng của quy hoạch để có chính sách đầu tư cho nông nghiệp tương xứng. Quy mô sản xuất cơ bản vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu dựa vào nông hộ nên chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa chậm được cải thiện. Sản xuất vẫn chạy theo sản lượng và thị trường nhất thời nên bấp bênh.

Tuy rằng chúng ta đã sớm nhìn nhận và có những chính sách cho vấn đề này, nhưng cũng dễ nhận thấy sự thiếu hụt một vai trò “nhạc trưởng” trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Hệ quả là liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân còn quá yếu.

Việc thực hiện theo quy hoạch sẽ tạo cơ hội cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững. Để chính sách này phát huy hiệu quả, các cơ quan quản lý của Nhà nước và từng người dân, doanh nghiệp... cần đổi mới tư duy sản xuất, cách tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương. Đặc biệt, có chính sách khuyến khích nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhằm tạo sản phẩm gắn với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.

Hiện nay Chính phủ đang hết sức quyết liệt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nói trên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ yêu cầu các bộ liên quan rà soát, ngay trong năm 2017 đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn;

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3-2017.

Có thể kỳ vọng, với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, những nút thắt đang làm chậm tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền nông nghiệp nước ta trong thời gian vừa qua sẽ sớm được tháo gỡ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ nút thắt hạn điền, tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.