(HNM) - Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hà Nội hướng đến nền nông nghiệp hiện đại với những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp đang vướng mắc nhiều vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ...
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, huyện Đông Anh đã bước đầu hình thành những vùng trồng rau, hoa chuyên canh, tập trung và chăn nuôi xa khu dân cư, song việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện mới chỉ đạt trung bình từ 3% đến 7%.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, hiện nay, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn thấp so với một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, cơ giới hóa khâu làm đất đạt khoảng 95%; khâu thu hoạch hơn 80%; diện tích phun thuốc trừ sâu bằng máy 28,8%, diện tích cấy lúa bằng máy 2%... Trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cơ giới hóa trong khâu vắt sữa mới đạt 37,7%...
"Do một số địa phương đã dồn điền đổi thửa nhưng ruộng đất còn manh mún nên khó đưa máy móc vào sản xuất. Mặt khác, nông dân chưa có nhiều kiến thức vận hành máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở hầu hết chưa được đào tạo về lĩnh vực này. Thêm nữa, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa được hình thành tại các địa phương" - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương lý giải.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Lương Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) cho biết: Thành phố đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn, thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn rườm rà và nhiều bất cập. Ví dụ, thành phố hỗ trợ 50% giá mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng quy định tối đa không quá 75 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi đầu máy có giá từ 300 đến 800 triệu đồng nên đa số nông dân không đủ vốn đầu tư.
Để thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Đạt Thắng, xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) đề xuất: Thành phố cần đổi mới chính sách hỗ trợ mua máy móc; không đánh đồng giá mua máy làm đất, máy tuốt lúa, máy phun thuốc trừ sâu... mà nên hỗ trợ trực tiếp 50% cho các đơn giá máy khác nhau, có như vậy mới khuyến khích được nông dân, hợp tác xã mua máy móc phục vụ sản xuất.
Về vấn đề này, theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, đến năm 2020, thành phố sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa lên 40%, gặt đập lên 60%; trong chăn nuôi, nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thái cỏ và vắt sữa lên 90%, làm mát chuồng trại chăn nuôi lợn gà lên 30%...
Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN& PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy công suất lớn theo hướng hỗ trợ 50%, tối đa không quá 150 triệu đồng/máy. Mặt khác, Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thẩm định hồ sơ, kịp thời hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội để mua máy móc, thiết bị phục vụ việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.