Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ giới hóa sản xuất rau cho thu nhập cao

Bạch Thanh| 18/12/2022 07:13

(HNM) - Thời gian gần đây, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất rau an toàn, nông dân Hà Nội còn chú trọng đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, phun tưới tự động… vừa cho thu nhập cao, vừa giảm thiểu sức lao động.

Nông dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) áp dụng hệ thống tưới nước tự động trong sản xuất rau an toàn.

90% công đoạn sản xuất được cơ giới hóa

Với tổng diện tích canh tác trên 300ha rau màu vụ đông xuân, mỗi ngày Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) cung cấp cho thị trường 200-300 tấn rau màu, củ các loại, trong đó, sản phẩm chủ lực là củ cải trắng, hiện chiếm tỷ lệ 70%. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tới đây, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao dự kiến cung cấp ra thị trường 300-400 tấn rau, củ các loại mỗi ngày.

Sản xuất rau màu với số lượng lớn như vậy nhưng nông dân không hề vất vả do hầu hết công đoạn đều được cơ giới hóa. Ông Nguyễn Văn Thắm, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết: Toàn hợp tác xã có khoảng 1.000 hộ dân làm rau ở đủ các lứa tuổi khác nhau. Hiện nay, chỉ với 2 vợ chồng trẻ, có sức khỏe thì làm 2 mẫu rau đơn giản. Còn những người 50-60 tuổi nhẹ nhàng cũng làm được 5-6 sào rau bởi máy làm đất chuyên dụng cho rau màu ngoài làm tơi đất còn có chức năng vun luống. Nông dân cũng không bón phân rải vụ mà ngay từ đầu vụ đều mua phân gà hoai mục về với định lượng 800kg/sào, bón ngay từ đầu năm, cho máy vào băm đều, trộn trên đồng ruộng; sau đó chỉ việc xuống giống. Trong quá trình chăm sóc, khâu tưới là vất vả nhất thì có tới hơn 90% hộ dân sử dụng hệ thống tưới tự động.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, nhân công canh tác tại hợp tác xã chủ yếu là phụ nữ, do vậy, việc vận chuyển hay sửa chữa máy móc rất khó khăn. Từ ngày có hệ thống điện vào tận ruộng, nông dân chỉ việc cắm điện là có thể cấp nước cho hệ thống tưới. Ai cũng cảm thấy nhàn hơn rất nhiều. Với khoản đầu tư 1,5-3 triệu đồng/sào cho một hệ thống tưới bán tự động, các hộ dân dễ dàng thu hồi vốn nhờ doanh thu bán rau đạt khoảng 10-15 triệu đồng/sào/lứa.

Tưới tự động tiết kiệm 45% lượng nước

Dẫn chúng tôi thăm vườn rau cải của gia đình, bà Hồ Thị Phương, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên (huyện Gia Lâm) chia sẻ, nhờ bắt kịp xu thế canh tác mới, việc áp dụng hệ thống tưới bán tự động vừa giúp tiết kiệm nước tưới tới 45%, giảm công lao động chăm sóc mà năng suất rau tăng thêm 20-25%. Vừa vận hành hệ thống tưới, bà Phương vừa kể, trước kia, nông dân trồng rau ở Yên Viên đều phải tưới thủ công, công đoạn này rất bất tiện, tốn nhiều sức lao động nên xã viên đã vận động nhau đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động để giải phóng sức lao động.

Nhờ giải phóng được công lao động tưới rau, bà Phương mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác từ 2 sào lên 4 sào. Toàn bộ 10,5ha canh tác rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên đều đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm bán tự động, doanh thu mỗi năm của hơn 800 xã viên đạt trung bình 1 tỷ đồng/ha. 

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên Ngô Duy Hưng cho biết, áp dụng hệ thống tưới bán tự động không chỉ giảm công lao động, lượng nước tưới mà cây trồng còn được cung cấp nước đầy đủ, cân đối nên sinh trưởng, phát triển đồng đều. Sản phẩm rau cải xanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên được thành phố Hà Nội cấp chứng nhận OCOP 4 sao năm 2021.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lâm Nguyễn Trung Hiếu cho hay, việc đưa kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất rau không chỉ giúp giảm lượng nước tưới, giảm công lao động, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại, sâu bệnh hại mà còn góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của nông dân, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác trên một diện tích và đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Thực tế tại Đông Cao và Yên Viên cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa góp phần quan trọng giải phóng sức lao động người trồng rau. Tuy nhiên, hiện nay không phải vùng rau nào cũng áp dụng được cơ giới hóa do khó khăn về thủy lợi nội đồng, đường điện… mong rằng thời gian tới, nhiều vùng rau chuyên canh của thành phố được đầu tư, quan tâm hơn nữa về cơ sở hạ tầng, qua đó giúp nông dân thuận lợi hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ giới hóa sản xuất rau cho thu nhập cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.