Hà Nội kết nối

Gỡ điểm vướng pháp lý để người lao động dễ thụ hưởng nhà ở xã hội

Nhóm phóng viên 10/11/2023 - 17:39

Từ thực tế một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Thủ Đức có 1.000 căn hộ, nhưng nay mới chỉ có 100 hồ sơ nộp thuê, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu và ghi nhận nhiều quy định pháp luật đang gây khó cho cơ quan thực thi.

a186.jpg
Dự án nhà ở xã hội Thu Thiem Green House sắp đưa vào sử dụng với hơn 1.000 căn hộ, nhưng mới có 100 hồ sơ nộp dự xét.

Những quy định khó thực hiện

Dự án nhà ở xã hội nêu trên từng được Báo Hànộimới nhắc đến là Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân (Thu Thiem Green House, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thu Thiem Group) tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Dự kiến cuối năm 2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 1.040 căn hộ, nhưng hiện mới có 100 người nộp hồ sơ xét thụ hưởng. Đây là điều bất hợp lý, bởi nhu cầu có nơi ở của người lao động là rất lớn.

Liên quan vấn đề này, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khó phát triển quỹ nhà ở xã hội. Nhưng ngay cả khi có quỹ nhà ở xã hội, việc xét duyệt người được hưởng chính sách này cũng gặp không ít khó khăn, bởi một số quy định pháp luật chưa sát với thực tế.

a187.jpg
Pháp luật quy định 10 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng khi đi vào chi tiết, còn nhiều điểm vướng.

Cụ thể, trong quá trình rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở xã hội thời gian qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy đang có quy định người muốn thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội phải là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, nghĩa là tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu.

Điều 7 Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ quy định: “Hộ gia đình, cá nhân là người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú”. Còn các mẫu tờ khai trong phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng đều quy định người muốn hưởng chính sách nhà ở xã hội phải “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình”.

a188.jpg
Khái niệm "nhà ở sở hữu hộ gia đình" chưa được hướng dẫn hiểu cụ thể, khiến nhiều người không đạt tiêu chí được thụ hưởng nhà ở xã hội.

“Như vậy, hầu như rất ít người đáp ứng được yêu cầu này, bởi họ đang sống chung với gia đình (bố mẹ, ông bà…) vì gia đình họ đã có nhà”, ông Hồ Ngọc Việt, Phó trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin.

Thứ hai là cũng theo Thông tư 09, người muốn thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội phải có xác nhận của UBND cấp xã (nơi mà người này thường trú hoặc tạm trú 1 năm trở lên) về 3 nội dung: “Là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; chưa có sở hữu nhà thuộc hộ gia đình; chưa được hưởng chính sách về nhà ở của Nhà nước”. Tuy nhiên, UBND cấp xã không thể có đủ năng lực xác nhận những vấn đề này, nên người muốn thụ hưởng nhà ở xã hội không thể hoàn tất hồ sơ của mình theo quy định, nộp cơ quan xét cấp.

Đề xuất hướng giải quyết

Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đã tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi Công văn số 2049/UBND-ĐT ngày 17-5-2023 đến cơ quan chức năng chờ hướng dẫn. Ngày 23-6-2023, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 2673/BXD-QLN trả lời công văn trên.

a189.jpg
Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tuy nhiên trong Công văn 2673, Bộ Xây dựng không phúc đáp nội dung “Hướng dẫn xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội”.

Về vấn đề này, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn theo hướng xác định hộ gia đình chỉ bao gồm cha, mẹ và con chưa thành niên, để tạo điều kiện cho các trường hợp có khó khăn về chỗ ở được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Về nội dung xác nhận của UBND cấp xã cho người muốn thụ hưởng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng thành phố tham mưu chỉ yêu cầu UBND cấp xã xác nhận người này đang sinh sống trên địa bàn; chữ ký trên đơn là của người đó; căn nhà nơi người này đang thường trú, tạm trú trên địa bàn không thuộc sở hữu của người đó hoặc gia đình họ... Như vậy, sẽ tháo gỡ điểm “vướng” này, đề cao tính trung thực và tự chịu trách nhiệm của người muốn thụ hưởng nhà ở xã hội, từ đó đẩy nhanh tốc độ xét cấp nhà ở xã hội.

a190a.jpg
Một dự án nhà ở xã hội ở thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đang được xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết Sở đã tham mưu các vấn đề trên bằng văn bản với UBND thành phố từ ngày 20-10-2023. Hiện UBND thành phố cũng đã gửi các nội dung trên đến Bộ Xây dựng và đang chờ phản hồi, hướng dẫn thực hiện.

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Sở Quy hoạch Kiến trúc vận dụng khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố để rà soát quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với danh mục 88 dự án nhà ở xã hội do Sở Xây dựng tổng hợp để nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố nội dung quy hoạch tổng thể và toàn diện về nhà ở xã hội để có cơ sở triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ điểm vướng pháp lý để người lao động dễ thụ hưởng nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.