Hà Nội kết nối

Nhà ở xã hội: Giải quyết vướng mắc cũ để hoàn thành mục tiêu mới

Nhóm phóng viên 23/10/2023 - 11:40

Câu chuyện về phát triển nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10-2023, những vướng mắc cơ bản về quy định của pháp luật dẫn đến tồn tại trên vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

a308.jpg
Dự án nhà ở xã hội Thu Thiem Green House với hơn 1.000 căn hộ cho công nhân thuê sẽ hoàn thành trong năm 2023, nhưng mới chỉ có hơn 100 người thuê.

Hơn 1.000 căn hộ, nhưng chỉ hơn 100 người thuê

Đó là tình cảnh tại Dự án khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê (Thu Thiem Green House, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thu Thiem Group). Dự kiến cuối năm 2023, chủ đầu tư sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 1.040 căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức. Nhưng đến giữa tháng 10-2023, mới có 100 người đăng ký thuê nhà.

Theo ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thu Thiem Group, nhu cầu người thuê là rất lớn, nhưng số đáp ứng các tiêu chí theo quy định lại không nhiều. "Thứ nhất là nhiều người không muốn thuê mà muốn mua nhà để ở lâu dài. Hai là theo quy định, chỉ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại thành phố Thủ Đức chưa có nhà ở mới được thuê nhà. Thứ ba là quy định công nhân có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng mới được thuê, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh, mức sàn này không đủ trang trải sinh hoạt. Doanh nghiệp đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng đối tượng thuê nhà”, ông Trần Việt Cường thông tin.

a310a.jpg
Huyện Bình Chánh là địa phương có nhiều dự án nhà ở xã hội, tái định cư đang chờ hoàn thiện.

Một số dự án nhà ở xã hội khác tại huyện Bình Chánh cũng đang gặp vấn đề tương tự. Đơn cử là 4 dự án nhà ở xã hội trên đất Nông trường Láng Le tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Theo dự án được phê duyệt từ năm 2004, đây là những dự án nhà ở xã hội phục vụ chỗ ở cho công nhân, người lao động thuộc các cơ sở sản xuất của ngành Nông nghiệp trong nội thành được di dời về Cụm Công nghiệp Láng Le – Bàu Cò. Dự án có tổng diện tích hơn 90ha, mức đầu tư hơn 63 tỷ đồng.

Phát biểu trong buổi báo cáo đoàn giám sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh hôm 15-10 vừa qua về phát triển dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, ông Trương Thái Ngọc, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, chia sẻ: Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội gặp khó khăn trong tìm nguồn vốn triển khai dự án; cân đối giá cho thuê với giá thành xây dựng để vừa có lợi nhuận, vừa không gây khó cho người lao động.

Nhưng một trong những vướng mắc lớn nhất là đến giờ (giữa tháng 10-2023), pháp lý giao, cho thuê đất và giải phóng mặt bằng… của nhiều dự án vẫn chưa hoàn tất. Địa phương hiện đề xuất và trông chờ vào tiến độ giải quyết ở cấp thành phố.

a311a.jpg
Một dự án nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố thực hiện chỉ tiêu phát triển 2,5 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương 35.000 căn hộ). Tính đến hết quý II-2023, thành phố đã hoàn thành 2 dự án (623 căn hộ). Có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công (3.956 căn hộ); 1 dự án nhà lưu trú công nhân (1.040 căn hộ) đang xây dựng. 82 dự án khác đang có trong kế hoạch phát triển như dự kiến.

Tìm hướng mới giải quyết vướng mắc cũ

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã lập báo cáo trình Chính phủ về hướng tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, phân định rõ đâu là phần việc thành phố phải triển khai rốt ráo, đâu là những vấn đề vướng mắc cần Trung ương xem xét tháo gỡ.

a312.jpg
Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).

Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định thành phố có trách nhiệm giải quyết về tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, bao gồm rà soát thủ tục giao đất tại những vị trí đã quy hoạch; rà soát 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở thương mại dùng để xây nhà ở xã hội theo quy định.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, Sở đang tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và một số loại đất khác sang mục đích thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội.

Về những nội dung kiến nghị Trung ương, báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp pháp khác và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% tại dự án nhà ở thương mại cho Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội. Hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Hướng dẫn xác định thành viên của hộ gia đình để (mở rộng) đối tượng xét được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

a315a.jpg
Dự án khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức.

Ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin thêm: Có nhiều vấn đề cần Trung ương xem xét. Đơn cử quy định chặt chẽ đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội (ở trên địa bàn, chưa có nhà, thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng) vừa khiến chủ đầu tư khó tìm khách, vừa khiến ngành Ngân hàng chưa dám cho vay với những người chưa đạt tiêu chí.

Thứ 2 là như với dự án nhà ở xã hội Thu Thiem Green House, muốn mở rộng diện người sử dụng nhà, phải thay đổi quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt với quy trình khá chặt chẽ để biến thành đất ở… Hiện thành phố đang xem xét, đề xuất hướng gỡ vướng.

UBND thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng 2,5 triệu m2 sàn theo kế hoạch phát triển nhà ở đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà ở xã hội: Giải quyết vướng mắc cũ để hoàn thành mục tiêu mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.