Xây dựng

Kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội

Đình Hiệp 26/10/2023 - 18:24

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, chiều 26-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 26-10.

Cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, bổ sung vào Điều 76 và Điều 77 đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được lựa chọn mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời đáp ứng điều kiện về thu nhập do Chính phủ quy định; sửa khoản 2 Điều 107 để bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân như ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội.

hoang-thanh-tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình.

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư. Bởi vì khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”.

nguyen-thi-viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu.

Đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Quan tâm tới đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho biết, dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước.

Ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1.000.000 căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn.

be-minh-duc.jpg
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) phát biểu.

“Căn cứ vào những định hướng chính sách của đề án nói trên, quy định như Điều 76 dự thảo Luật là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp”, đại biểu Bế Minh Đức kiến nghị.

Quan tâm đến nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần điều chỉnh cách tiếp cận nhà ở xã hội theo hướng rộng mở hơn, tức là nhà ở cho xã hội, cho các nhóm đơn vị khác nhau, chứ không đơn thuần bó hẹp là nhà ở xã hội cho một số nhóm đối tượng chính sách.

nguyen-lam-thanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu.

“Dự thảo Luật mới chỉ đang quy định cho 18 nhóm đối tượng chính sách và nhóm thu nhập thấp. Trong khi đó, xu hướng chung của các nước thế giới đang tiếp cận theo hướng nhà ở phục vụ cho phát triển xã hội, do vậy sẽ có rất nhiều phân khúc khác nhau. Đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên thiết kế nội dung này theo hướng mở”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành kiến nghị.

Làm rõ việc Tổng Liên đoàn lao động làm chủ đầu tư

to-van-tam.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) tranh luận.

Phát biểu tranh luận về vấn đề Tổng Liên đoàn lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.

Về vấn đề giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho biết, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu mục đích giao cho Tổng Liên động lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản nhằm thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

nguyen-hai-dung.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) phát biểu.

Đại biểu nhận thấy, đây là vấn đề cần hết sức quan tâm. Bởi khi có các tổ chức đại diện cho người lao động hình thành, họ cũng có thể sử dụng rất nhiều công cụ vật chất hấp dẫn hơn để thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức của mình. Như vậy, khi xảy ra tình trạng này, công cụ, biện pháp đưa ra trong dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng. Do đó, đại biểu đề nghị chưa quy định giao Tổng Liên động lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội.

Liên quan đến vấn đề gây tranh cãi này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, đây là quy định mới nên cần đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở yêu cầu về thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

nguyen-thanh-cam.jpg
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), song đại biểu cho rằng, đối với các nhà do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư thì sẽ ưu tiên bố trí cho công nhân lao động nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được sử dụng khi quỹ nhà vẫn còn và các đối tượng này có nhu cầu để đảm bảo hài hòa, hiệu quả, chống lãng phí.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) trao đổi làm rõ về sự cần thiết khi quy định giao cho tổ chức công đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân và cho biết quy định này đáp ứng cả ba căn cứ cả về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

pham-trong-nghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu.

Theo đại biểu, công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị và công đoàn thì đang đứng trước sức ép rất lớn khi tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có yêu cầu khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn. Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.

dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận chiều 26-10.

Làm rõ vấn đề phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được kế thừa của pháp luật hiện hành và quy định như vậy là để bảo đảm hình thức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nếu quy định chung quá sẽ khó xác định hình thức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ. Liên quan đến điều kiện về thu nhập giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến quy định về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ tư dự án nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có báo cáo lại các đại biểu, trong trường hợp quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở thì phải có sự sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản để có những quy định chặt chẽ.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 55 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.