Bất động sản

Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Sớm hóa giải các thách thức

Dạ Khánh 04/11/2023 - 06:48

Nhằm hỗ trợ đối tượng chính sách, người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bức tranh nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang sáng dần. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều thách thức cần sớm được hóa giải...

bds.jpg

Nhiều tín hiệu tích cực

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai. Theo đó, trong quý III-2023, trên địa bàn cả nước đã có 19 dự án (quy mô 18.752 căn) hoàn thành hồ sơ và triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, đã hoàn thành 5 dự án (850 căn), bằng 176% so quý II-2023; khởi công 2 dự án (5.223 căn); 12 dự án (12.679 căn) được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

Lũy kế giai đoạn 2021-2025, đến nay cả nước có 465 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (412.845 căn) đã hoàn thành thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, hoàn thành 46 dự án (20.213 căn); khởi công xây dựng 110 dự án (100.213 căn); 309 dự án (292.422 căn) được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

“Với số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý III-2023 (12 dự án, quy mô 12.679 căn) cho thấy các địa phương đã vào cuộc”, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi đánh giá: Sau khi Nghị quyết số 33/NQ-CP được Chính phủ ban hành, từ tháng 4-2023 đến nay, phân khúc nhà ở xã hội có những tín hiệu tích cực. Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” có tính khả thi rất cao bởi nhu cầu về nhà ở dành cho người thu nhập thấp và nhà ở công nhân hiện rất lớn. Chưa kể, tới 60% những người hưởng lương nhà nước cũng có nhu cầu nhà ở thực.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc triển khai đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới; cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp chính quyền, sự quan tâm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Có vậy mới có thể hoàn thành 110 dự án đang triển khai xây dựng và khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với 309 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

bds1.jpg
Khu nhà ở xã hội Ecohome 1 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Đỗ Tâm

Giải quyết 3 nhóm vấn đề chính

Nhìn nhận những khó khăn trong công tác phát triển nhà ở xã hội, Trưởng ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho hay, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 27 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó có 1,2 triệu người lao động có nhu cầu mua nhà ở.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, việc thực hiện đề án vẫn còn 3 khó khăn chính. Một là, thủ tục mua còn rườm rà, gây khó khăn cho người mua. Hai là, các khu quy hoạch nhà ở xã hội cho công nhân đa số chỉ 5 tầng, trong khi nhà đầu tư đều muốn xây cao hơn, nên phải làm thủ tục chuyển đổi, mất thêm thời gian. Ba là, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, trong đó thời gian xác định tiền miễn sử dụng đất thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm, ảnh hưởng đến thời gian xây dựng dự án...

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần G-Home Nguyễn Hoàng Nam, cơ chế pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội rất phức tạp. Việc xin cấp phép xây dựng mất thời gian hơn làm dự án nhà ở thương mại. Để có giấy phép, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội phải mất ít nhất 2 năm hoàn thành thủ tục; mất thêm khoảng 2 năm xây dựng, bàn giao nhà cho khách hàng. Trong đó, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê và chỉ được bán lại sau 5 năm đưa vào sử dụng. Quá trình này kéo dài đến 9 năm, sau đó dự án mới được kiểm toán. Chỉ khi kiểm toán xong, doanh nghiệp mới được nhận về khoản lợi nhuận cố định 10%... Xuyên suốt cả quá trình thực hiện dự án, bản thân doanh nghiệp cũng không chắc chắn khoản chi phí nào sẽ được ghi nhận là hợp lý, hợp lệ, khoản nào sẽ không được quyết toán. Vì vậy, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội luôn ở trạng thái “hên, xui”...

Trong khi đó, mức lãi suất tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, trong đó nhà đầu tư được vay lãi suất 8,7%/năm, người mua nhà vay lãi suất 8,2%/năm, cũng được đánh giá chưa đủ hấp dẫn.

Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn phân khúc nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần giải quyết 3 nhóm vấn đề chính là thể chế, nguồn vốn và tổ chức thực hiện. Trong đó cần tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội trong các văn bản pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo quỹ đất, tạo nguồn vốn, ưu đãi tín dụng hỗ trợ người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Về tổ chức thực hiện, trong đề án đã phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; nhất là cấp tỉnh, vì khâu quy hoạch sử dụng đất (thuộc trách nhiệm của địa phương) rất quan trọng đối với việc thực hiện dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Sớm hóa giải các thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.