(HNM) - Để hiện thực hóa mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, một trong những định hướng lớn của Chính phủ là tạo điều kiện, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Về lý thuyết, khi chính thức hóa hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động: Điều kiện, thu nhập, an toàn pháp lý, phúc lợi và tính ổn định. Nhưng trên thực tế, ngoài năng lực nội tại (vốn, kinh nghiệm, thị trường, kỹ năng quản lý…) chưa sẵn sàng hoạt động theo quy mô doanh nghiệp thì tâm lý của rất đông hộ kinh doanh là ngại thay đổi và trong nhiều trường hợp họ không thấy lợi ích mang lại nếu phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Bởi hiện nay, hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp về nộp thuế, chế độ kế toán. Đó là chưa kể đến quy định và thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp còn phức tạp, muốn chuyển phải giải thể hộ kinh doanh. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xét trên mọi góc độ: Hỗ trợ tài chính, thủ tục pháp lý, tiếp cận đất đai… chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài những lý do kể trên thì vấn đề “tham nhũng vặt”, “nghiện kiểm tra” trong một số bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ thuế, luôn là nỗi ám ảnh với những ai đang hoạt động kinh doanh.
Vậy lời giải cho vấn đề trên là gì?
Trước hết, phải sớm loại bỏ được tâm lý bất an nêu trên thì việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp mới thực sự có kết quả tốt. Do đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, “lượng hóa” việc lập doanh nghiệp sẽ có lợi hơn so với hộ kinh doanh là gì. Sau đó, xuất phát từ nguyên nhân hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp để có những chính sách khuyến khích kịp thời. Cụ thể là cần giảm chi phí, tạo thuận lợi về chế độ kiểm toán, thuế và thêm mô hình tổ chức đơn giản, thuận tiện… Ví dụ, cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà không xâm hại đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, có nhiều cơ chế khác có thể khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp như: Miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, cần nghiên cứu áp dụng chế độ kế toán phân cấp theo mức độ doanh nghiệp quy mô vừa, quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ cần đơn giản, giảm số lượng sổ sách…
Đặc biệt, phải chấm dứt bằng được tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chồng chéo, lạm dụng như hiện nay. Ngoài ra còn có cả “tâm lý” của các cơ quan chức năng khi lập đoàn kiểm tra là “đã thanh tra thì phải bắt cho ra lỗi” cũng làm không ít người kinh doanh e ngại…
Thời gian qua, Chính phủ đã kiên quyết tạo lập một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo mọi điều kiện để cá nhân đủ điều kiện được khởi nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo trong một năm các cơ quan chức năng chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần, trừ trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngành Thuế, Kế hoạch - Đầu tư, Hải quan cũng đẩy mạnh công tác khai báo và nộp thuế, phí qua mạng, giảm tối đa việc cán bộ trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực…
Thực hiện nghiêm các quy định trên chính là con đường ngắn nhất để Việt Nam sớm có 1 triệu doanh nghiệp, tiến tới xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đủ mạnh trong “sân chơi” toàn cầu hóa hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.