Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp vùng đất cằn ''đơm hoa, kết trái''

Ngọc Quỳnh| 23/10/2021 06:25

(HNM) - Với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long Phan Trung Kiên và các cộng sự đã biến những mảnh đất hoang hóa tại huyện Chương Mỹ thành vùng trồng cây cà gai leo. Đất cằn đã “kết trái, đơm hoa”, những sản phẩm từ cây cà gai leo bước đầu chinh phục thị trường, mở hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở vùng bán sơn địa của Thủ đô.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long Phan Trung Kiên (ngoài cùng bên phải) kiểm tra chất lượng đóng gói sản phẩm trà túi lọc cà gai leo.

Từ nỗ lực không ngừng...

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi tới xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) gặp Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long Phan Trung Kiên để được nghe câu chuyện về việc đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến, giúp vùng đất cằn khô, hoang hóa của huyện Chương Mỹ trở thành một vùng sản xuất cây dược liệu cà gai leo.

Sinh năm 1980, là con thứ tư trong một gia đình thuần nông tại thôn Đoàn Kết, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ), sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế - Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), anh Kiên khởi nghiệp với việc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Không có duyên với lĩnh vực này nên công sức anh bỏ ra nhiều mà thành công vẫn “trốn chạy”. Không chịu đầu hàng trước “số phận”, anh nỗ lực tìm hướng đi mới. Những hình ảnh về vườn cây dược liệu quanh nhà mà mẹ trồng lúc anh còn nhỏ đã gợi ý về con đường kinh doanh mới... Cơ duyên với cây cà gai leo đến với Phan Trung Kiên khi anh được tiếp cận một công trình nghiên cứu về loài cây này.

Cây cà gai leo vốn dễ trồng, dễ mọc, thậm chí nhiều nơi còn dùng làm cây bờ rào, nhưng cũng là một loại dược liệu mà y học cổ truyền đã ghi nhận về tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng gan. Và thế là năm 2015, anh Kiên cùng một số đối tác thuê đất và phát triển vùng nguyên liệu trồng cà gai leo trên diện tích 20ha tại xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ.

“Thực sự, cắm cây cà gai leo làm bờ rào thì dễ nhưng để trồng cả vùng với những tiêu chí rõ ràng và phát triển sản phẩm lại không dễ”, anh Kiên kể lại quá trình đưa sản phẩm trà túi lọc cà gai leo mang thương hiệu SADU ra thị trường.

Để có được cánh đồng dược liệu trên diện tích hơn 20ha đất hoang hóa, cằn cỗi là câu chuyện dài từ việc san lấp mặt bằng, chuẩn bị hạt giống. Không những thế, lại còn nỗi lo về việc canh tác. Người nông dân đã quen với lối canh tác thời vụ, chạy theo thị trường, sử dụng phân bón hóa học để tăng năng suất cây trồng; lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Trong khi đó, yêu cầu tiên quyết khi trồng cà gai leo là “Không thuốc sâu! Không thuốc trừ cỏ! Không phân hóa học”. Anh cùng các cộng sự cũng mất không ít công sức để thuyết phục người dân ở đây thay đổi thói quen.

Sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu thì đầu ra ổn định cho sản phẩm cũng là cả vấn đề. Ban đầu chỉ là bán thành phẩm nguyên liệu thô ra thị trường nhưng rồi nhiều người cũng trồng cà gai leo khiến giá giảm mạnh từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg xuống mức thấp nhất là 15.000 đồng/kg và như thế thì không thể thu hồi vốn. “Nghĩ đến việc phải tạo ra một sản phẩm khác biệt và có sức cạnh tranh để có thể tồn tại trên thị trường khiến tôi mất ăn, mất ngủ”, anh Kiên nói. Cũng từ sự đau đáu làm nên khác biệt ấy mà sau đó anh và các cộng sự đã tính đến phương án làm trà túi lọc cà gai leo.

Năm 2016, anh Kiên bắt tay vào sản xuất trà túi lọc mang thương hiệu SADU và thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long với hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất đặt tại xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ). Ngoài sản phẩm trà túi lọc cà gai leo, công ty còn phát triển thêm nhiều loại trà thảo dược. Năm 2020, công ty đã đăng ký 3 sản phẩm gồm trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc và trà mật gấu dây thìa canh tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt chuẩn 4 sao của thành phố Hà Nội. Hiện các sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước qua nhiều kênh bán hàng.

Về triết lý kinh doanh của mình, theo anh Kiên, chất lượng sản phẩm chính là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, công ty đã phát triển mô hình trồng và chế biến theo một quy trình khắt khe, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế, tận dụng tối đa công nghệ… và coi đây là vấn đề cốt lõi để có những sản phẩm đủ sức chinh phục thị trường.

... đến nuôi giấc mơ vươn xa

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, với mong muốn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách thuê đất, hỗ trợ các chủ thể, trong đó có Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long về các thủ tục tham gia OCOP, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm... Và có thể thấy, từ sự hỗ trợ đó cùng những nỗ lực của chính mình với tinh thần không ngừng sáng tạo, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, đây là một trong những mô hình hiệu quả, từ vùng đất cằn cỗi, với sức lao động, sáng tạo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của mô hình này, trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ… và lấy doanh nghiệp làm trung tâm để kết hợp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Qua đó tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân.

Còn anh Kiên cho biết: “Doanh thu trung bình của doanh nghiệp chúng tôi đạt hơn 1 tỷ đồng/tháng. Từ đầu năm 2021 đến nay, dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ sản phẩm nhưng công ty vẫn bảo đảm việc làm cho 100 lao động với mức lương từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên...”. Trong khi đó, bà Lê Thị Tám, công nhân làm việc tại công ty kể, trước đây sản xuất nông nghiệp bấp bênh, nhưng từ khi Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long đầu tư vùng dược liệu cà gai leo không chỉ phủ xanh vùng đất trống đồi trọc, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. “Nhờ có việc làm từ trồng cây cà gai leo mà chúng tôi không phải đi làm ăn xa, vẫn có thu nhập ổn định cuộc sống”, bà Lê Thị Tám vui vẻ nói.

Không dừng lại ở hiện tại, trong câu chuyện với chúng tôi, anh Kiên còn bảo: “Tôi vẫn ấp ủ kế hoạch phát triển, đưa sản phẩm từ cà gai leo đến từng hộ gia đình ở Việt Nam và ra cả thế giới. Tôi sẽ làm, quyết tâm làm và theo đuổi đến cùng”.

Chia tay anh Phan Trung Kiên - người đã cùng các cộng sự giúp vùng đất cằn bán sơn địa ở huyện Chương Mỹ “đơm hoa, kết trái” trong không khí làm việc khẩn trương của doanh nghiệp để kịp hoàn thành các đơn hàng từ nhiều tỉnh, thành phố, chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn về tinh thần sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng. Có lẽ đây chính là “chìa khóa” thành công của doanh nhân, doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp vùng đất cằn ''đơm hoa, kết trái''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.