Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người cao tuổi ứng phó với ''bão giá''

Nhóm phóng viên| 09/07/2022 06:31

(HNM) - Giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, trong đó phải kể đến những người cao tuổi sống bằng lương hưu, trợ cấp xã hội. Không ít người trong số họ phải chật vật xoay xở trong "cơn bão giá" để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Để bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người cao tuổi, rất cần tạo lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

Người cao tuổi chọn mua rau xanh tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Ảnh: Ngân Thùy

Gánh nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày

Năm nay đã 77 tuổi, không còn nhiều sức khỏe để sử dụng xe máy, nhưng mỗi lần nghe tin giá xăng, dầu tăng, bà Vũ Bích San (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) lại lo lắng. Vì giá xăng, dầu tăng thì giá cước vận chuyển hàng hóa đội lên, kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng. Bà San chia sẻ: “Tôi giật mình khi mớ rau muống giá 20.000 đồng, rau mùng tơi cũng 15.000-17.000 đồng/mớ, tăng gấp đôi so với trước. Tôi phải giảm mua rau, chuyển sang mua củ, quả như bí đỏ, cà tím hoặc mướp vì giá "mềm hơn" để tiết kiệm chi phí cho bữa ăn”. Cũng theo bà San, hai vợ chồng bà trước đây là công nhân nên khi về hưu hưởng mức lương khá thấp. Qua nhiều lần tăng lương hưu của Nhà nước, hiện mức lương của vợ chồng bà được gần 4 triệu đồng/người/tháng, nên phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống.

Trong khi đó, gia đình ông Phạm Hữu Quang (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) hiện chỉ có mỗi ông hưởng lương hưu. Vợ ông Quang trước đây là nhân viên thu tiền nước thời vụ, không có chế độ lương hưu. "Để bảo đảm cuộc sống hằng ngày, 2 vợ chồng tôi tận dụng khoảng sân trước nhà để rửa xe máy. Dù vất vả khi tuổi già nhưng chúng tôi phải cố gắng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như tiết kiệm chút ít phòng khi ốm đau", ông Quang nói.

Còn bà Nguyễn Bích Hồng (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) lại chọn cách đến ở nhà con trai, trông cháu cho các con đi làm để giảm chi phí thường xuyên. Bà Hồng tâm sự: "Mọi sinh hoạt của tôi đều ở nhà con trai, chỉ về nhà mình để ngủ. Lúc nào các cháu đi học, tôi sẽ tìm công việc làm thêm như nhận đưa, đón trẻ em trong khu chung cư hoặc lau dọn vệ sinh theo giờ để có thêm tiền chi dùng cho cuộc sống".

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đang chi trả chế độ hưu trí hằng tháng cho gần 2,7 triệu người với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng. Như vậy, mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/ tháng. Tuy nhiên, theo nhiều người về hưu, mức lương hưu bình quân chỉ là tương đối, vì thực tế, không ít người lao động, công nhân về hưu có mức lương thấp hơn nhiều con số thống kê kể trên. Phần lớn họ phải xoay xở để chống chọi với "bão giá", trong khi tuổi già hay ốm đau cần mua thuốc men nên chủ yếu vẫn phải nhờ con cái chu cấp.

Sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách an sinh

Phó Trưởng phòng Hưu trí (Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lý Hoàng Minh cho biết, mức hưởng lương hưu không phải là mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh tăng lương hưu. Trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng 7,4% từ ngày 1-1-2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp sẽ được tiếp tục điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng).

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, chính sách tăng lương hưu và trợ cấp từ ngày 1-1-2022 thể hiện tính nhân văn, là biện pháp hỗ trợ rất kịp thời để người về hưu giảm khó khăn. Bởi phần lớn người về hưu chỉ có nguồn chính là lương hưu nên việc tăng lương là cần thiết. Tăng lương hưu cũng thể hiện rõ mục tiêu gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết vấn đề an sinh cho người về hưu, tăng thu nhập cho người cao tuổi.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bình ổn giá hàng hóa để bảo đảm cuộc sống cho người dân nói chung và người về hưu nói riêng. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội tăng cường các giải pháp ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...

Về vấn đề an sinh xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách an sinh quan trọng, góp phần tạo lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững, từng bước hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp người cao tuổi ứng phó với ''bão giá''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.