(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố ngày càng bài bản, thực chất, đi vào chiều sâu. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào đối tượng chủ chốt với trọng tâm là nâng cao kỹ năng làm việc và xử lý tình huống cho cán bộ.
Hướng mạnh về cơ sở
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) Hoàng Anh Tiến cho biết, lớp bồi dưỡng thực sự bổ ích, những kiến thức được trang bị giúp cán bộ địa phương tự tin, chủ động hơn trong công việc. Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) Lê Hữu Huấn nhìn nhận, khung chương trình bồi dưỡng rất sát với công việc của cán bộ cơ sở.
Đây là ý kiến của hai học viên tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tổ chức từ đầu năm 2023 đến nay. Hiện nay, lớp thứ năm đang diễn ra tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trước đó, 4 lớp với 427 học viên đã hoàn thành khóa bồi dưỡng với 17 chuyên đề và 3 buổi thảo luận chuyên đề, chia thành 3 khối kiến thức.
Ngoài những vấn đề chung, tổng quan, thành phố đã tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, chức năng, nhiệm vụ của vị trí phó bí thư đảng ủy cấp xã; đặc biệt, còn huấn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý tình huống trong công tác. Đây là một trong những nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ nhiều năm qua với trọng tâm hướng mạnh về cơ sở.
Cùng với 5 lớp trên, Thành ủy đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 với 573 học viên; tổ chức hàng loạt lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, công tác tuyên giáo, dân vận, xây dựng văn bản cụ thể hóa Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”; đổi mới từ chương trình đào tạo, công tác quản lý, tổ chức thi sát hạch sau mỗi khóa học... Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hà Nội đã tổ chức thành công trên tinh thần đó với 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với 706 học viên; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 với 91 học viên.
Có thể nói, Thành ủy Hà Nội đã đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các nhóm đối tượng cán bộ từ thành phố xuống cơ sở.
Bảo đảm trình độ, kỹ năng cho từng vị trí
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, nội dung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Thành ủy chỉ đạo triển khai rất toàn diện. Đó là, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Nội dung chương trình đào tạo vừa đủ các kiến thức chung, tổng hợp, vừa có kiến thức riêng, đặc thù gắn với chức danh công tác, vị trí việc làm, nhất là hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống. Hình thức dạy và học linh hoạt, đa dạng, kết hợp hài hòa giữa học trên lớp, thảo luận nhóm, tự nghiên cứu với đi thực tế. Đổi mới còn ở công tác quản lý, phục vụ lớp học trên tinh thần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương và tạo điều kiện tốt nhất cho học viên tận dụng tối đa khóa học để trau dồi kiến thức, kỹ năng, qua đó nâng cao trình độ bản thân; ứng dụng công nghệ thông tin...
Tinh thần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội quán triệt, thực hiện khi mở hàng chục lớp học với hàng nghìn lượt học viên. Các quận, huyện, thị xã, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội… thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ bí thư chi bộ.
PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, sắp tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành “Chiến lược phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Năm 2022, thành phố cũng đã bố trí vốn để xây dựng cơ sở mới cho nhà trường trên diện tích hơn 4,2ha; dự kiến năm 2026 đưa vào sử dụng, bảo đảm về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phục vụ tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian tới.
Nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng tiếp tục được cụ thể hóa trong thời gian tới. Cùng với tiếp tục duy trì các nội dung đổi mới đã triển khai, thành phố sẽ nghiên cứu triển khai thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên internet. Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng tiếp tục được thực hiện đồng bộ với các khâu của công tác cán bộ, nhất là quy hoạch và bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ ở vị trí công tác nào có kỹ năng, trình độ tương ứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.