Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ vững tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

Anh Minh| 21/01/2013 07:16

(HNM) - Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước dự kiến đạt 126 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012. Vấn đề đặt ra là làm sao duy trì được

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Ảnh: Trọng Hải


Tuy nhiên, mục tiêu trên sẽ bị ảnh hưởng bởi các DN thuộc ngành thủy sản đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nguồn cung ổn định cho xuất khẩu (XK). Thời gian gần đây, thị phần thủy sản Việt Nam tại Hoa Kỳ đang bị co hẹp và nước này không còn chiếm vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam như các năm trước, chủ yếu do sự cạnh tranh về nguồn cung từ phía DN các nước khác. Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) cũng dự báo, mức sản lượng phục vụ XK thủy sản năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, dẫn đến suy giảm giá trị XK sang một số thị trường lớn, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đến nay, mặt hàng cá tra XK ở 5/8 thị trường chính đang suy giảm (từ quý III năm 2012). Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại về sự suy giảm diện tích nuôi trồng. Dư luận và một số DN Hoa Kỳ đang xem xét khả năng theo đuổi kiện chống trợ cấp với tôm XK của Việt Nam. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định trong XK của DN trong nước. Các chuyên gia xác nhận, nếu phải gánh thêm thuế chống trợ cấp thì DN XK tôm Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn, nhất là bị mất khả năng cạnh tranh trên thị trường này. Vì vậy, một số DN XK tôm đang lo ngại về khả năng duy trì kim ngạch 480 triệu USD XK sang Hoa Kỳ như năm 2012. Trước tình hình này, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường dự báo thị trường, thời tiết để chủ động việc nuôi, khai thác thủy sản phục vụ XK. Cơ quan chức năng cũng gợi ý DN cần tập trung đầu tư thỏa đáng cho việc du nhập, ứng dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến để cho ra đời sản phẩm chất lượng và có sức cạnh tranh cao, cũng như tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Nhìn từ góc độ pháp lý, VASEP đang chuẩn bị bằng chứng để chứng minh thủy sản trong nước không nhận sự trợ cấp từ Chính phủ như cáo buộc của Liên minh khai thác tôm Hoa Kỳ. Kinh nghiệm từ cách ứng phó của DN Việt Nam trước đơn kiện của nước ngoài cho thấy, mỗi đơn vị nên chuẩn bị đầy đủ chứng cứ để chứng minh không vi phạm như nội dung cáo buộc, nhất là DN không nhận trợ cấp từ Chính phủ. Các chuyên gia khuyến nghị, DN thủy sản Việt Nam cũng xác định bản lĩnh sẵn sàng vào cuộc, theo các vụ kiện tại tòa án quốc tế để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Bộ Công thương cho biết, DN cần quan tâm thiết lập, phát huy giá trị thương hiệu nhằm nâng cao giá trị trong mỗi mặt hàng XK, tập trung vào cá tra, tôm và cá ngừ đại dương, kết hợp với việc tham gia xúc tiến thương mại cũng như phong trào xây dựng thương hiệu Việt Nam. DN Việt Nam cũng nên tìm hiểu thông tin và rút kinh nghiệm qua các "bài" ứng phó với hàng rào kỹ thuật (do các nước nhập khẩu đặt ra) của các nước XK thủy sản khác, như Thái Lan, Indonesia… để xây dựng phương án phù hợp. Trong nhiều trường hợp, VASEP cần chủ động phối hợp với DN trong việc sử dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn quốc tế cũng như tham vấn hoặc thuê luật sư nước ngoài tham gia tranh tụng.

Về phía Nhà nước, cần áp dụng những biện pháp hỗ trợ thông tin thị trường, quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng thủy sản, hỗ trợ sản xuất để tạo nguồn cung ổn định và kích thích tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.