(HNM) - Ngày 5-1, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội và giao UBND quận Ba Đình lập kế hoạch, tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phép công trình 8B Lê Trực.
Nguyên nhân là sau hơn một tháng tự phá dỡ (từ ngày 21-11-2015), trung bình mỗi ngày, chủ đầu tư chỉ phá được 10-15m2, tổng diện tích đã phá dỡ là 120m2. Tiến độ này không bảo đảm yêu cầu. Đồng thời, kết luận của Thanh tra thành phố mà UBND TP Hà Nội công bố cùng ngày đã chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Trước hết, về phía chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát: Tiến hành thi công khi chưa có giấy phép; không thực hiện phá dỡ hạng mục công trình sai với giấy phép, không thực hiện đình chỉ thi công công trình vi phạm; đáng chú ý, chủ đầu tư có biểu hiện cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng... Thứ hai, về phía chính quyền cơ sở, lãnh đạo và cán bộ quản lý trật tự xây dựng UBND phường Điện Biên, trong nhiều giai đoạn, không kiểm tra hoạt động xây dựng; nhiều lần kiểm tra nhưng không áp dụng biện pháp ngăn chặn, cũng như không báo cáo cấp quận để xử lý. Thứ ba, về phía UBND quận Ba Đình, Thanh tra xây dựng quận không kiểm tra, báo cáo UBND quận, Thanh tra Sở Xây dựng để chỉ đạo, đôn đốc xử lý công trình xây dựng không phép; UBND quận thiếu sâu sát, do vậy không phát hiện để chỉ đạo xử lý vi phạm kịp thời. Thứ tư, ở góc độ quản lý ngành, Sở Xây dựng, Phòng Quản lý cấp phép, Thanh tra Sở đã thiếu sâu sát đối với hoạt động xây dựng của chủ đầu tư, thiếu sự đôn đốc trong khâu kiểm tra… UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm, đặc biệt là báo cáo đề xuất xử lý đối với cán bộ thuộc UBND thành phố quản lý.
Trở lại vụ việc, một lần nữa phải nhấn mạnh rằng: Vi phạm trật tự xây dựng tại dự án 8B - Lê Trực là rất nghiêm trọng. Điều cần nói thêm ở đây là dự án được triển khai theo chủ trương di dời cơ sở sản xuất khỏi nội đô, việc cho phép lập dự án, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng bảo đảm quy định pháp luật, tức là vi phạm xảy ra hoàn toàn do sự chủ động của chủ đầu tư. Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra sai phạm tại dự án, UBND TP Hà Nội đã ngay lập tức vào cuộc. Sau khi làm rõ những sai phạm tại dự án như chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây lên chiều cao thực tế 69m, vượt 16m, tự ý tăng diện tích sàn xây dựng (khoảng 6.126m2), không tuân thủ yêu cầu về giật cấp đầu hồi… UBND thành phố đã khẳng định rõ quan điểm kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tự phá dỡ phần công trình xây dựng sai phép; trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình thực hiện cưỡng chế...
Vụ vi phạm tại dự án số 8B - Lê Trực thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi hệ lụy đối với trật tự văn minh đô thị, cảnh quan khu vực mà còn cho thấy sự coi thường kỷ cương pháp luật của chủ đầu tư. Đây cũng là điều khiến lãnh đạo thành phố hết sức trăn trở. Tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, nêu rõ quan điểm xử lý nghiêm đối với vụ vi phạm này, coi đây là trường hợp điển hình, làm bài học răn đe đối với các chủ đầu tư khác; đồng thời phải kiểm điểm, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có liên quan. Thực tế cho thấy, quá trình xử lý vụ việc, cũng có những ý kiến "khác nhau" như "bênh chủ đầu tư", hay thay vì phá dỡ sẽ giữ nguyên phần diện tích sai phạm để hiến cho Nhà nước sử dụng vào mục đích có ích cho cộng đồng… Tuy nhiên, UBND thành phố đã thể hiện rõ quan điểm kiên quyết, nhất quán nhằm giữ nghiêm kỷ cương cũng như bảo đảm văn minh đô thị.
Thủ đô Hà Nội nói riêng, các tỉnh, thành phố cả nước nói chung đang trong quá trình đô thị hóa, tất yếu đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước. Với một đô thị lớn, mật độ dân số đông như Hà Nội, quản lý trật tự đô thị cũng như trật tự xây dựng có rất nhiều vấn đề phức tạp. Thời gian qua, các cấp chính quyền từ thành phố xuống cơ sở đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc. Vi phạm nhỏ, chính quyền cơ sở xử lý, công trình lớn trực tiếp thành phố vào cuộc cũng không ít. Nhờ vậy, số vụ vi phạm từng bước giảm, trật tự văn minh đô thị ngày càng được duy trì hiệu quả rõ rệt hơn. Việc xử lý vi phạm tại dự án 8B - Lê Trực theo hướng trước hết để chủ đầu tư tự phá dỡ và giờ là giao UBND quận Ba Đình lập kế hoạch, tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phép cho thấy rõ sự kiên quyết, nhất quán của UBND thành phố trong quản lý trật tự đô thị cũng như trật tự xây dựng. Bởi lẽ, khi kỷ cương pháp luật được giữ vững, trật tự văn minh đô thị được bảo đảm - là yêu cầu cao nhất đối với các hoạt động xây dựng thì mới không còn những vụ việc sai phạm nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.