Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nét văn hóa đặc sắc

Quỳnh Anh| 08/11/2020 06:12

(HNM) - Đã từ lâu, trong tâm thức người Việt, lịch là ấn phẩm văn hóa truyền thống, thân thuộc, không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình. Với nhiều người, lịch không chỉ để xem ngày, tháng đơn thuần mà còn là sản phẩm văn hóa đẹp, hữu ích bởi chứa đựng nhiều thông tin, tri thức có giá trị và ý nghĩa. Vì vậy, duy trì và phát huy nét đẹp này có ý nghĩa quan trọng.

Như mọi năm, bước sang tháng 11, mùa lịch năm 2021 đã trở nên sôi động. Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng, năm nay, điểm nhấn của thị trường lịch là sự cách tân, tìm tòi, sáng tạo quanh những chủ đề mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hướng đến những giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp thuần Việt. Trong đó, có những mẫu lịch mang đậm hơi thở cuộc sống, tính thời sự khi khai thác chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng… Đáng chú ý, dù dịch Covid-19 khiến vật tư khan hiếm, giá thành làm lịch cao hơn nhưng các đơn vị xuất bản và phân phối đều cố gắng không tăng giá bán lịch so với năm trước.

Dẫu vậy, trong bối cảnh thị trường lịch đầy cạnh tranh như hiện nay, để tăng sức hấp dẫn người tiêu dùng, yếu tố quyết định cho một mùa lịch thành công vẫn là chất lượng và giá cả phù hợp. Trong đó, chất lượng phải đặt lên hàng đầu bởi ngoài công năng xem ngày, tháng, lịch còn là một sản phẩm trang trí có giá trị nghệ thuật cao. Trước sự phổ biến của các thiết bị hiện đại như điện thoại, máy tính… lịch in không còn là công cụ quản lý thời gian độc tôn như trước, nhưng vẫn là tác phẩm văn hóa, là phương tiện hữu hiệu trong tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc…

Thực tế cho thấy, những bộ lịch chủ đề về quê hương, đất nước, danh nhân Việt Nam của các đơn vị sản xuất đã góp phần không nhỏ chuyển tải những câu chuyện văn hóa của đất nước và cổ vũ tinh thần người Việt Nam... Bởi vậy, các nhà xuất bản lịch cần phải đầu tư bài bản, chuyên nghiệp từ khâu thiết kế đến gia công tạo nên thành phẩm; nghiên cứu thật kỹ thị trường để cho ra những bộ lịch “độc”, “lạ” và ấn tượng từ kiểu dáng, chất liệu đến cách thể hiện, mang đến cho khách hàng những nội dung giá trị, hữu ích. Đặc biệt, hình thức, nội dung thể hiện các chủ đề trên như thế nào cho súc tích, sâu sắc, hàm chứa giá trị văn hóa cao và đặc biệt phải chính xác cũng là vấn đề mà các nhà sản xuất lịch cần cẩn trọng. Ngoài ra, cần có chiến lược tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, để tạo sức hút đối với người tiêu dùng.  

Bên cạnh đó, để lịch in thực sự trở thành sản phẩm văn hóa ý nghĩa phục vụ công chúng, cơ quan quản lý cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích những người lao động sáng tạo nghệ thuật trong xuất bản lịch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, loại bỏ những ấn phẩm lịch kém chất lượng, có nội dung hay hình ảnh sai lệch, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm những vi phạm trong in ấn, phát hành lịch, hạn chế xu hướng “thương mại hóa”, chạy theo những thị hiếu thấp kém, cũng như bảo vệ quyền tác giả.

Tuy việc coi lịch đã trở nên hết sức dễ dàng, song sức hấp dẫn của lịch in vẫn không hề giảm, thậm chí còn được ưa chuộng hơn chính bởi vì bên cạnh thông tin thời gian, lịch in còn có thể chứa đựng và truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa văn hóa lịch sử. Mùa lịch in thành công sau mỗi năm không chỉ mang lại lợi ích cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan mà còn góp phần giáo dục lịch sử, giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ nét văn hóa đặc sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.