(HNM) - Trong dòng chảy phát triển, mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội đã nỗ lực gạn đục, khơi trong, kiên trì thu nạp và dung hòa cái cũ - cái mới, giữ gìn nền nếp ứng xử thanh lịch, văn minh của người Tràng An.
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã được cụ thể hóa trong các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”... ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt, việc ban hành và triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh người Hà Nội.
Đặc biệt, tinh thần tự hào và ý thức bảo vệ, phát huy những giá trị của Thăng Long - Hà Nội trong mỗi người dân Thủ đô luôn là nguồn mạch, sức sống bất tận trong tâm hồn các thế hệ người Hà Nội. Suốt nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã để lại dấu ấn vô cùng mạnh mẽ với người dân cả nước vì tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.
Nét đẹp của người Hà Nội, vượt lên trên hết là thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Thủ đô trước những niềm tin yêu của cả nước. Điều này được khẳng định rất rõ trong quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: “Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Như vậy, yêu cầu đặt ra là Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị về con người, văn hóa của mọi vùng miền và nhân loại rồi lan tỏa những giá trị ấy ra đời sống xã hội trong cả nước.
Giao thoa nét văn hóa truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người Hà Nội hôm nay là việc tất yếu của quá trình phát triển Thủ đô. Vì vậy, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tuân thủ pháp luật không tách rời việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách người Hà Nội gắn với sự phát triển của Thủ đô và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nhìn một cách cụ thể hơn, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Phải làm sao tạo ra một lối sống đô thị mà ở đó có sự hòa quyện giữa nét thanh lịch truyền thống với sự văn minh, thanh lịch hiện đại, thích ứng với thời kỳ hội nhập. Để làm được điều đó, trước hết cần phải tạo ra những chuyển biến về nhận thức của mỗi cá nhân. Và vấn đề căn cốt là xây dựng lối sống đẹp, nếp suy nghĩ tích cực, gần gũi cho từng người trên mỗi cương vị của họ.
Thêm nữa, cần củng cố giá trị của gia đình, giữ vững và đề cao chuẩn mực của xã hội, chú trọng vai trò của hệ thống giáo dục, đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để xây dựng bổ sung các tiêu chí đặc trưng về người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Bên cạnh đó, việc phát huy sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở sao cho thực chất và hiệu quả cũng là hết sức cần thiết.
Giữ gìn, phát huy nét thanh lịch, văn minh của mỗi người dân Thủ đô sẽ tạo nên nội lực phát triển mạnh mẽ cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.