Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ ca trù Chanh Thôn

Chí Kiên| 29/11/2016 06:32

(HNM) - Nhắc đến ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) không ít người thán phục bởi vốn cổ, lời xưa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nơi đây, có những đào hát ca trù đã bao năm bỏ công bỏ sức bảo tồn “báu vật” Chanh Thôn, được dân làng coi như “pho sử sống” giờ đang truyền dạy cho lớp cháu con.

Ca nương Vũ Thị Ngân trong một buổi biểu diễn ca trù.


Kho báu còn lại…

Theo sách lịch sử xã Văn Nhân, vào đầu thế kỷ XIX, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, vốn là một kép đàn cừ khôi về làng Chanh Thôn sinh sống, đã lập ra phường hát và truyền dạy đàn, hát ca trù cho con cháu. Dần dà, ca trù trở thành nghiệp kiếm sống đồng thời tạo nên nét văn hóa độc đáo cho làng, xã. Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, là người đã bỏ nhiều công sức bảo tồn, phát huy nét văn hóa dân gian của quê mình, cho biết: Thời kỳ cực thịnh nhất của ca trù Chanh Thôn là giai đoạn 1937-1944, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Tuy nhiên sau thời kỳ này, dân làng Chanh Thôn nô nức tham gia cách mạng bảo vệ quê hương, không còn nhiều thời gian dành cho ca trù nữa. Từ đây, thi thoảng những đào nương, kép đàn vì quá nhớ những âm thanh "tom tom chát chát" lại lấy đàn tấu cho nhau nghe để tự ôn lại về một thời vang bóng.

Ca trù Chanh Thôn vì thế theo thời gian cứ thế lay lắt trong niềm nhớ tiếc khôn nguôi của người dân trong làng. Cho đến cuối năm 2006, đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn đã được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”. Niềm vui dồn dập về với người dân Chanh Thôn khi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận 2 đào hát là bà Nguyễn Thị Khướu, bà Nguyễn Thị Vượn và kép đàn, ông Vũ Văn Khoái là Nghệ nhân Dân gian; nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn được công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian. Cùng thời gian này, CLB Ca trù Chanh Thôn được thành lập, nòng cốt là 3 nghệ nhân với nhiệm vụ vừa bảo tồn vốn cổ của ông cha, vừa truyền lửa yêu ca trù cho lớp trẻ trong thôn.

Tiếp nối những thế hệ yêu ca trù...

Chúng tôi về Chanh Thôn đúng dịp những ca nương, kép đàn nơi đây vừa đi dự Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội - 2016 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đoạt giải B, điệu múa tập thể Bỏ bộ. Chia sẻ về hoạt động của CLB Ca trù, bà Nguyễn Thị Ngoan thoáng buồn: “Hoạt động từ năm 2008, CLB có 3 nghệ nhân cao tuổi thì đến giờ chỉ còn 2 người còn sống nhưng tuổi đã ngoài 90. Bà Nguyễn Thị Vượn sức khỏe yếu, không còn tham gia được nữa!”. Tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu, chúng tôi rất vui vì dù đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn minh mẫn, đặc biệt là lời ca vẫn mềm mại, làm mê đắm người nghe. Trong câu chuyện với chúng tôi bao nhiêu hồi ức thời trẻ đầy nhiệt huyết lại ùa về trong con người đã gắn cả cuộc đời với những thanh âm "tom tom chát chát". Bà cho biết được tiếp xúc với ca trù từ bé, lại được các nghệ nhân kèm cặp nên học nghề rất nhanh. Đến khoảng 15 tuổi, bà và bà Vượn đã trở thành những đào nương có giọng hát được nhiều người mến mộ. Bây giờ bà Nguyễn Thị Khướu là nghệ nhân duy nhất còn sức để truyền dạy cho thế hệ trẻ Chanh Thôn. Bà Khướu được học ca trù từ năm 10 tuổi, nối nghiệp bà nội và bố - một ông trùm ca quán ở Tổng Vạn Điểm khi xưa. Nhớ lại một thời được sống trong không gian ca trù của gia đình, bà kể: “Khi xưa tôi theo bố đi khắp nơi, từ Bắc Ninh đến Hưng Yên rồi vùng Thường Tín, Phú Xuyên. Tự hào nhất là đi đến đâu cũng được người người yêu mến”.

Người nghệ nhân già thoáng trầm ngâm: “Giờ chúng tôi đã yếu lắm rồi, đến lúc sức tàn lực kiệt, chỉ trông chờ vào lớp con cháu sau này nối nghiệp để không đánh mất vốn quý ca trù Chanh Thôn”. Trong quá trình hoạt động tại CLB Ca trù, một thế hệ ca nương, kép đàn mới đã trưởng thành, đây là tín hiệu tích cực trong việc bảo tồn, phát triển nét văn hóa dân gian ở Chanh Thôn. Theo lời chỉ dẫn của Chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngoan, chúng tôi được gặp ca nương Vũ Thị Ngân (28 tuổi), người trưởng thành từ “lò” đào tạo ca trù Chanh Thôn. Ca nương Vũ Thị Ngân chia sẻ: “Tình yêu ca trù nhen nhóm từ những đêm ra nhà văn hóa nghe cụ Vượn, cụ Khướu ca hát. Những thanh âm day dứt, thiết tha cứ thế lay động tâm hồn và rồi chúng em đã đến với ca trù như duyên trời định…”. Như để chứng minh tấm lòng của mình với nghệ thuật ca trù, Ngân lấy ra một quyển sách đóng giấy cỡ A4, bìa đã ngả màu và tiếp tục câu chuyện dang dở: “Đây là tập bài hát cổ được cụ Vượn, cụ Khướu sưu tầm và chép lại. Chúng em được phát mỗi người một quyển và ai cũng trân trọng, giữ gìn như một báu vật”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn nghe một làn điệu, ca nương trẻ đã không nỡ từ chối. Giữa căn nhà bề bộn, chất giọng trong vắt của Ngân cất lên đi vào lòng người đượm nỗi day dứt, man mác của giai phẩm nổi tiếng “Tỳ bà hành”: Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách; quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu; người xuống ngựa khách dừng chèo; chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc tơ; say chẳng luống, ngẩn ngơ hầu rẽ; nước mênh mông rằm vẻ trăng trong; tiếng tỳ chợt lẳng bên sông; chủ khuây khỏa lại, khách dùng dằng xuôi…”. Từ sự dạy bảo tận tình của những người thầy như nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu, giờ đây ca nương Vũ Thị Ngân đã tự tin thể hiện những làn điệu khó nhất như "Tỳ bà hành", "Thét nhạc", "Thiên thai", "Bắc phản", "Gửi thư", "Hát nói", "Hát miễu", "Ả phiền", múa "Bỏ bộ", múa hát "Trúc gỗ"...

Ca nương Vũ Thị Ngân cùng với ca nương Nguyễn Thị Hà (41 tuổi) là thế hệ thứ hai, sau những nghệ nhân cao tuổi của ca trù Chanh Thôn. Hiện CLB Ca trù có 25 thành viên, trong đó có 2 nghệ nhân và 2 nhạc công đồng thời là 2 bố con là ông Nguyễn Văn Vằng (82 tuổi) chơi trống chầu và kép đàn Nguyễn Hồng Ngưu là học sinh tài giỏi của nghệ nhân Vũ Văn Khoái. “Chúng tôi kỳ vọng vào lớp trẻ, độ tuổi từ 7 đến 14 hiện có 14 cháu đang tham gia tích cực vào CLB” - bà Ngoan nói. Trong số này phải kể đến những ca nương nhí đi tham dự Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội - 2016 vừa qua, như em Nguyễn Thu Phương 13 tuổi, Nguyễn Thủy Tiên 14 tuổi, Nguyễn Khánh Ly 9 tuổi, Nguyễn Diệu Thảo 9 tuổi…

Nói về định hướng của ca trù Chanh Thôn, bà Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ: “Chúng tôi sẽ từng bước tăng số lượng người tham gia CLB, đặc biệt chú trọng vào lớp trẻ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị các cấp quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để CLB có điều kiện hoạt động tốt trong những năm tới”. Đây cũng là băn khoăn của Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhân Nguyễn Văn Tiến: “Xã luôn tạo điều kiện về mọi mặt cho CLB hoạt động, tuy nhiên là một xã nghèo nên rất khó khăn, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí để ca trù Chanh Thôn được bảo tồn và nhân rộng hơn nữa trong đời sống hiện đại hôm nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ ca trù Chanh Thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.