Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ phim như di sản

An Nhi| 27/01/2019 07:38

(HNM) - Dù không được công nhận chính thức nhưng những chuyên gia trong nước và quốc tế luôn đánh giá, phim là di sản văn hóa.

Phim “Em bé Hà Nội” tái hiện chân thực hình ảnh Thủ đô trong kháng chiến.


Nơi lưu giữ những di sản văn hóa

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh độc lập Lê Hồng Lâm chia sẻ, ông có gần 20 năm làm báo và chỉ chuyên viết về điện ảnh. Sở dĩ ông quan tâm điện ảnh Việt Nam vì muốn tìm hiểu về di sản văn hóa đất nước thông qua điện ảnh. Nhà phê bình cho biết, nếu xâu chuỗi những bộ phim tiêu biểu được sản xuất suốt bảy thập niên qua thì người xem sẽ thấy được chân dung lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam hiện đại.
Thật vậy, hãy xem bộ phim Việt Nam có tiếng tăm đầu tiên - “Kiếp hoa” (Trần Lang viết kịch bản và đạo diễn), ra đời năm 1953. Tuy là phim tâm lý, tình cảm nhưng qua đây, có thể thấy rõ nét đời sống của người dân Hà Nội thời điểm trước năm 1954. Thậm chí, hai diễn viên Kim Chung và Kim Xuân trong phim trở thành chuẩn mực, biểu tượng của phụ nữ Hà Nội xưa. Về sau, qua các phim “Em bé Hà Nội” (đạo diễn Hải Ninh), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (đạo diễn Đức Hoàn), “Mùa ổi” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), người xem tiếp tục thấy được sự chuyển biến của đất và người Hà Nội ở từng thời kỳ.

Những thước phim được sản xuất trong thời kỳ kháng chiến (1954-1975) như “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Nổi gió”, “Đường về quê mẹ”… ghi lại chân thực, sống động những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. “Đến hẹn lại lên” của đạo diễn Trần Vũ ngoài phản ánh về đề tài chiến tranh còn mở ra trước mắt người xem hình ảnh hội làng, giếng nước thân thương ở làng quan họ nơi quê hương Kinh Bắc trù phú. Hay từ phim “Vợ chồng A Phủ” (sản xuất năm 1961), vùng núi cao, biên cương phía Bắc Tổ quốc không còn kỳ bí, xa xôi trong mắt mọi người. Những phong tục, tập quán, nét tính cách của đồng bào dân tộc thiểu số được ghi nhận, truyền đạt rõ nét.

Các tác phẩm “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Mùa nước nổi” mà đạo diễn Nguyễn Hồng Sến sản xuất những năm 1980, thể hiện thành công vẻ đẹp vùng sông nước miệt vườn, sự hào sảng và hồn hậu rất đặc trưng của người dân Nam Bộ. Trong khi đó, các đạo diễn Việt kiều như Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh với “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Ba mùa”, “Mùa len trâu”… bằng sự thôi thúc hồi cố, đã tạo nên sự chân thực, sinh động cuộc sống, nét văn hóa rất riêng của người Việt…

Bà Donna McGowan, Giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam, tổ chức thực hiện dự án “Di sản kết nối”, trong đó có di sản phim tại Việt Nam khẳng định, di sản văn hóa có thể được gìn giữ theo nhiều phương thức khác nhau. Nhưng thông qua ngôn ngữ điện ảnh, chúng dễ dàng lan tỏa trong cộng đồng, thuyết phục và kết nối mọi người trong xã hội, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các thế hệ, các cộng đồng, vùng, lãnh thổ…

Hy vọng về cuốn “biên niên sử” điện ảnh

Theo ông Frank Gray, Giám đốc lưu trữ phim Screen Archive South East, Đại học Brighton (Anh), ở các nước trên thế giới, phim được coi là di sản văn hóa và được gìn giữ như di sản. Screen Archive South East là một trong 12 cơ sở lưu trữ phim của Anh, được đầu tư nghiêm túc và bài bản. Bên cạnh việc lưu trữ, bảo quản nguyên gốc các dạng hình ảnh động được sản xuất trong nước, thì công việc của những đơn vị này còn là số hóa phim, phục chế và đưa phim tới cộng đồng để tạo những giá trị mới.

Tại Việt Nam, về vấn đề lưu trữ, bảo quản phim, theo thống kê sơ bộ của Viện Phim Việt Nam, hiện nay các đơn vị chuyên môn đang lưu trữ trên 100.000 cuốn phim, trong đó, Viện Phim Việt Nam lưu trữ hơn 44.000 cuốn tại các kho ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Anh Tuấn, Phó phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam cho biết, điều kiện bảo quản phim nguyên bản tại hầu hết các đơn vị đều thiếu tiêu chuẩn, khiến “tuổi thọ” phim bị giảm nhiều. Đặc biệt, nhiều phim nhựa bị khô, bong tróc, rè tiếng, mất màu…

Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới là số hóa phim, để vừa lưu giữ được phim nguyên bản, vừa dễ dàng phổ biến tác phẩm trong cộng đồng ở thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, tại nước ta, việc số hóa phim đang lưu trữ rất khó khăn. Những năm gần đây, Viện Phim Việt Nam tích cực số hóa nhưng mới chỉ được khoảng 1.000 cuốn, nên phải rất lâu nữa mới hoàn tất được toàn bộ phim đang lưu trữ. Các kho lưu trữ khác như Trung tâm Tư liệu Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương… đều không có thiết bị chuyển phim sang định dạng số. Có nơi chiếu phim rồi quay lại bằng thiết bị số để lưu trữ.

Ông Frank Gray đề xuất, ngoài sự đầu tư của nhà nước, các đơn vị nên huy động những nguồn lực khác trong việc lưu giữ và phát huy giá trị của điện ảnh. Điều này cần sự năng động, nhạy bén trong việc hợp tác liên ngành, liên kết các tổ chức trong nước và quốc tế có kinh nghiệm số hóa, quảng bá, phổ biến phim. Hy vọng, trong tương lai không xa, cuốn “biên niên sử” điện ảnh Việt Nam sẽ biến thành di sản sống, phát huy giá trị tích cực hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ phim như di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.