(HNM) - Với vai trò giao thông đi trước mở đường, nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ đã được khẩn trương đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.
Giao thông đi trước
Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối Thủ đô với các tỉnh khu vực phía Tây, Tây Bắc. Ảnh: Nam Khánh |
Một trong những nhiệm vụ lớn được Chính phủ đề cập trong quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô là cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông bảo đảm thông suốt, thuận lợi và phát triển giao thương...
Hiện thực hóa chủ trương này, những năm qua, các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông, từ đó khẳng định vai trò giao thông đi trước mở đường. Hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hộ dân đã vì chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước di dời để phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Đại diện các bộ, ngành Trung ương nhận định, TP Hà Nội đã làm rất tốt vai trò đô thị hạt nhân của Vùng Thủ đô, tạo động lực kết nối các địa phương trong Vùng cùng phát triển.
Hiện tại, tất cả các hướng của Hà Nội đều có các tuyến cao tốc để kết nối. Có thể kể đến tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên để kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố khu vực phía Tây, Tây Bắc; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình để kéo các tỉnh Hòa Bình, Sơn La... về gần hơn với Thủ đô.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá, từ ngày có cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, thời gian di chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội đã rút ngắn còn một nửa so với hành trình trước đây. Đây là một "cú huých" quan trọng để có những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung yên tâm đặt nhà máy tại Thái Nguyên. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp được sản xuất tại Thái Nguyên đưa về tiêu thụ tại Hà Nội dễ dàng hơn do chi chí vận tải giảm xuống...
Phát triển thương mại, kết nối cung cầu
Nhờ giao thông thuận tiện, những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, năm 2018, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản an toàn thông qua nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận, Lâm Đồng… đã tạo ra nhiều cơ hội liên kết hợp tác kinh tế cũng như định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.
Điển hình là “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018” (từ ngày 13 đến 20-6) do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang và siêu thị BigC Thăng Long tổ chức. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Bộ phận quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội hệ thống siêu thị Big C cho biết, sau sự kiện "Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018”, hệ thống siêu thị BigC tiếp tục trưng bày, bán các sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang trong suốt mùa vụ năm 2018.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản, để phát triển sản phẩm nông nghiệp thì xây dựng và mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đang là yêu cầu bức thiết. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ, với vai trò trung tâm của mình, việc duy trì chương trình xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước bền chặt, lâu dài để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất là rất cần thiết.
Có thể thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương, đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng nguồn cung cho thị trường Hà Nội, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn, hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với 21 trung tâm thương mại, 118 siêu thị, 454 chợ, hơn 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm... Điều kiện thuận lợi này giúp Hà Nội có khả năng tập trung, phát triển luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu, tiếp tục làm tốt vai trò đầu tàu, hạt nhân trong chuỗi liên kết của Vùng Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.