Giao thông

Gỡ “ách tắc” để phát triển giao thông tĩnh

Việt Tuấn 26/11/2023 - 06:39

Hà Nội đã và đang đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông khung, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực. Song, tỷ lệ đất dành cho giao thông, vận tải hành khách công cộng còn thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác quản lý hè phố, lòng đường và trông giữ phương tiện một số nơi còn chưa kiên quyết, chặt chẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… nên cần có các giải pháp quyết liệt hơn.

chuyen-de.jpg
Thường trực HĐND thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn quận Tây Hồ, tháng 11-2023.

Áp lực gia tăng với hạ tầng kỹ thuật giao thông

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, trong thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đáng lưu ý, tính đến tháng 10-2023, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục được quan tâm, đến nay tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 19,05% nhu cầu đi lại của người dân. Từ năm 2020 đến nay, Hà Nội đã xử lý được 36 điểm ùn tắc giao thông.

Dù cố gắng, song qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về lĩnh vực này cho thấy, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đang triển khai đầu tư 96 dự án bãi đỗ xe, nhưng mới có 18 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, còn lại đang triển khai hoặc chuẩn bị có quyết định chấm dứt đầu tư. Tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị chậm so với kế hoạch do nguồn lực còn hạn chế.

Trong khi đó, hạ tầng của Thủ đô đang “gánh” tới khoảng 7,9 triệu phương tiện; ngoài ra còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác. Nhưng, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị của Hà Nội đạt khoảng 12,13% (yêu cầu của quy hoạch là từ 20% đến 26%), quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%.

Việc triển khai các quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đã được thành phố quy hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án đầu tư bến xe, bãi đỗ xe công cộng là khá lớn, thời gian thu hồi vốn và khả năng thu hồi vốn khó khả thi dẫn đến nhà đầu tư chưa quan tâm tham gia đầu tư. Một số vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bến, bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nhà đầu tư.

Tập trung nguồn lực đầu tư và đổi mới quản lý

Để thực hiện hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực giao thông thông - vận tải được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, các đại biểu HĐND thành phố đề xuất, thành phố cần huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12-15%, trong đó tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 1-2%.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân, thành phố cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý. Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bảo đảm tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để phát triển giao thông tĩnh, thành phố cần tháo gỡ “ách tắc” về cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối; các cầu qua sông Hồng. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh; đồng thời chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm, không có vùng cấm.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng:

Bãi đỗ xe chưa triển khai do vướng cơ chế

dang-dung.jpg

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn quận Thanh Xuân chủ yếu là đường ngõ có chiều rộng dưới 3m; có 4 điểm được quy hoạch là bãi đỗ xe và kết hợp một phần là bãi đỗ xe, nhưng hiện nay mới có 1 bãi đỗ xe tại 311-313 đường Trường Chinh (phường Khương Mai) triển khai hoạt động; còn 3 dự án chưa triển khai.

Thực trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn quận có nhiều tuyến phố có chiều rộng đường và hè nhỏ, trong khi các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn chưa triển khai được do vướng về cơ chế, chính sách đầu tư; vì vậy tình trạng ô tô đỗ trên các tuyến đường vẫn còn xảy ra. UBND quận kiến nghị thành phố đầu tư lắp đặt hệ thống camera an ninh trên tất cả các tuyến phố, tăng cường công tác xử phạt nguội (bằng hình ảnh ghi nhận trên hệ thống camera), thông báo vi phạm đến chủ phương tiện và xử phạt theo quy định. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư xây dựng cầu vượt dân sinh qua đường Lê Văn Lương; cầu vượt tại nút giao đường Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám, phục vụ thuận lợi, an toàn giao thông cho người dân.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên

dinh-khuyen.jpg

Thời gian qua, quận Tây Hồ đã hoàn thành đưa vào sử dụng 15 dự án giao thông với tổng mức đầu tư là 692 tỷ đồng. Hiện nay, quận đang triển khai thi công 15 dự án với tổng mức đầu tư là 1.295,5 tỷ đồng, gồm: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu; xây dựng mở rộng tuyến đường giáp Ao Sen Công Đoàn; cải tạo, nâng cấp lan can kè hồ Tây đoạn phố Nguyễn Đình Thi...

Để sớm hoàn thành các công trình thi công trên, quận đề nghị thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên; xử lý các tấm rào tôn hư, hỏng, có biện pháp, phương án bảo đảm vệ sinh môi trường để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh của dự án. Thành phố đẩy mạnh công tác duy tu, duy trì hệ thống đường giao thông; hướng dẫn UBND quận đối với nội dung sử dụng một số quỹ đất công, đất nông nghiệp, xen kẹt, các khu đất dự án chưa triển khai... tạm thời làm bãi trông giữ phương tiện trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng:

Sớm ban hành Đề án quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố

hoang-tung.jpg

Quận Hoàn Kiếm là đô thị cổ, cũ đã hình thành từ nhiều năm nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đều bất cập, nhiều vấn đề không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định hiện tại của Nhà nước. Vì thế, quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố nghiên cứu sớm ban hành Đề án quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện nay, không gian đi bộ trên địa bàn quận ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách, kéo theo áp lực về hạ tầng giao thông đô thị…Liên quan đến việc này, quận kiến nghị thành phố hạn chế xe taxi, xe hợp đồng, xe công nghệ hoạt động trên các tuyến phố vòng ngoài của không gian đi bộ trong giờ cao điểm từ 17h00 đến 22h00 các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; cho phép phân luồng xe ô tô lưu thông trên tuyến phố Lương Văn Can theo hướng Lương Văn Can rẽ sang Hàng Bồ trong giờ cao điểm từ 17h00 đến 22h00 các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật để hạn chế ùn tắc; cho phép sử dụng sân trường học, tầng hầm để trông giữ phương tiện (ba ngày cuối tuần) phục vụ không gian đi bộ trên địa bàn quận hiện đang thiếu chỗ.

Bảo Vy ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “ách tắc” để phát triển giao thông tĩnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.