Việc điều chỉnh giá vé xe buýt nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng vùng phục vụ; tạo động lực xã hội hóa, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mức tăng giá vé cũng được tính toán bảo đảm khả năng chi trả của người dân. Đó là quan điểm được lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ khi trao đổi về đề xuất tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố.
Mức giá hiện không còn phù hợp
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến nay, thành phố có 153 tuyến xe buýt đang khai thác, trong đó có 128 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến city tour. “Mạng lưới xe buýt phát triển rộng khắp phục vụ người dân, cùng với đường sắt đô thị đã và đang trở thành phương tiện công cộng chủ yếu trong đô thị”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận, kinh phí trợ giá cho xe buýt vẫn ở mức cao và ngày càng tăng (đặc biệt là giai đoạn 2020-2022). Vào năm 2018, mức trợ giá từ ngân sách là 1.697 tỷ đồng thì đến năm 2022 lên tới 2.958 tỷ đồng (tăng 74%). Doanh thu từ xe buýt chỉ bằng 14% chi phí. Các khoản chi phí đầu vào liên tục tăng, cộng với chủ trương mở rộng vùng phục vụ tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng dẫn đến chi phí sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, giá vé xe buýt hiện được đánh giá là tương đối thấp so với khả năng chi trả của người dân. Cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ ngày 1-5-2014 đến nay đã không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9km. Sau 10 năm, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05km. Các tuyến cự ly 30-60km có mức giá như nhau là chưa hợp lý. Do đó, việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp trong giai đoạn này nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ…
Nâng giá vé phải nâng chất lượng dịch vụ
Nhiều hành khách bày tỏ ủng hộ với đề xuất tăng giá vé xe buýt. Theo bà Nguyễn Thị Minh Loan (ở số 100 ngõ Hòa Bình 7, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), người dân ủng hộ tăng giá vé song cũng mong muốn thành phố có giải pháp để xe buýt vận hành nhanh hơn, đúng giờ hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Việc tăng giá vé xe buýt nên thực hiện từ lâu chứ không đợi đến thời gian tới là quan điểm được chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nhấn mạnh. Theo ông Phan Lê Bình, trong nhiều năm qua, thành phố duy trì giá vé xe buýt trong khi giá nhiên liệu, nhân công đều đã thay đổi. Do vậy, giá vé xe buýt phải nâng lên cho phù hợp với thực tế. Việc tăng giá vé giúp giảm gánh nặng cho ngân sách. Trên thực tế, nhiều người sẽ không bỏ xe buýt vì tăng giá vé.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, mức tăng giá vé xe buýt Hà Nội đưa ra không vượt quá 10% mức thu nhập bình quân của người dân là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, thành phố cần cải thiện thời gian đi lại bằng xe buýt. Việc xây dựng phương án tách làn đường riêng cho xe buýt và xây dựng hạ tầng cho người đi bộ, giao thông tiếp cận với các trạm, bến xe buýt cần được quan tâm hơn nữa; từ đó mới có thể khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung.
Theo đề xuất, giá vé xe buýt lượt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng; từ 25km đến dưới 30km tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.
Với vé tháng, mức tăng trung bình khoảng 40%. Trong đó, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến là 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng). Các đối tượng khác vé một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), vé liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Riêng người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.