(HNMO) - Chiều 8-6, Báo Hànộimới tổ chức Giao lưu trực tuyến “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Các đại biểu, khách mời dự buổi giao lưu nhằm đánh giá kết quả thực hiện; hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như nêu các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua chương trình.
16:35 08/06/2023
LỜI CẢM ƠN
Giao lưu trực tuyến “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền qua chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được tổ chức tại trụ sở Báo Hànộimới vào ngày 8-6-2023 đã thành công tốt đẹp.
Ban tổ chức trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội; sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các sở, ban, ngành, liên quan của thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một số quận, huyện cùng đông đảo doanh nghiệp.
Đồng thời, Ban tổ chức trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã phối hợp tuyên truyền cho buổi giao lưu. Xin cảm ơn Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp đã đồng hành với chương trình.
Rất mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong các buổi giao lưu sau.
16:32 08/06/2023
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Phát biểu kết luận buổi giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, qua đó Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổng hợp, tiếp thu nhằm đổi mới khâu tổ chức, góp phần tôn vinh hàng hóa, sản phẩm để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.
Liên quan đến công tác truyền thông, như ý kiến đã nêu tại buổi tọa đàm, cần tiếp tục đổi mới công tác truyền thông, không chỉ truyền thông báo chí, mà còn trên mạng xã hội… để người dân, người tiêu dùng tiếp cận nhanh nhất các thông tin liên quan.
Các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp để sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, để cuộc bình chọn không chỉ đến với người tiêu dùng trong nước mà cả ở nước ngoài, làm thế nào để người tiêu dùng cảm thấy vui vẻ, chấp nhận và thấy hàng trong nước tốt hơn ở nước ngoài.
Thay mặt Báo Hànộimới, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức cảm ơn các đơn vị đã tham gia giao lưu trực tuyến.
16:28 08/06/2023
Sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền
Tổng kết, đánh giá hiệu quả tuyên truyền qua chương trình bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội, cho biết: Điểm nổi bật trong dấu ấn quan trọng thời gian qua đó là, xác định công tác truyền thông là yếu tố, giải pháp quan trọng. Các cơ quan đã từng bước đổi mới hoạt động tuyên truyền về cuộc vận động “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Từ năm 2017, ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được lan tỏa.
Về các vấn đề nâng cao hiệu quả truyền thông thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới việc tuyên truyền sao cho hình thức phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải xác định đối tượng cần tuyên truyền, quan tâm hơn tới địa bàn vùng sâu, xa, nông thôn, giới trẻ. Thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng. Các doanh nghiệp phải đồng hành trong việc tuyên truyền để nâng cao hiệu quả truyền thông hơn nữa.
16:21 08/06/2023
Doanh nghiệp sẽ tự “lao vào” nếu nhìn thấy lợi ích
Nêu cảm nhận sau nhiều năm tham gia Chương trình, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia.
Theo ông, doanh nghiệp sẽ tự “lao vào” mà không cần phải vận động khi họ nhìn thấy lợi ích trong việc tham gia Chương trình, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Công ty Tâm Bình gắn bó lâu như vậy với Chương trình cũng bởi đã cảm thấy Chương trình giúp cho thương hiệu của mình được nâng lên.
Ban chỉ đạo Chương trình cũng đã có nhiều thay đổi, cải tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin để giúp người tiêu dùng có thể bình chọn các thương hiệu yêu thích một cách rộng rãi. "Thông qua buổi giao lưu trực tuyến hữu ích hôm nay, mong rằng trong thời gian tới, ngoài cổng thông tin chính thức của Chương trình, Ban chỉ đạo sẽ có thêm sự gắn bó, đồng hành với các cơ quan báo chí và các mạng xã hội, để có thêm độc giả, người tiêu dùng tiếp cận trang bầu chọn. Khi đó, Chương trình sẽ mang lại lợi ích trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các sản phẩm đã được chứng nhận, được người tiêu dùng hay các cơ quan nhà nước tin tưởng bình chọn", ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.
16:16 08/06/2023
Cần nhiều chương trình truyền thông phong phú, hấp dẫn hơn nữa
Ở góc độ là một người tiêu dùng đã nhiều lần tham gia bình chọn chương trình “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, bà Trần Thị Phương Thảo chia sẻ rất đồng tình với hệ thống các tiêu chí đánh giá của Ban tổ chức đối với Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Bà Trần Thị Phương Thảo mong muốn, thời gian tới Ban tổ chức sẽ triển khai nhiều chương trình truyền thông phong phú, hấp dẫn hơn nữa để đông đảo người tiêu dùng có thể biết đến về cuộc vận động, về hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và tham gia bình chọn.
16:14 08/06/2023
Nhiều khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực TMĐT, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân hoặc một nhóm đối tượng (có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường); các trang mạng, wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng hoặc của các shop có uy tín để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm. Cá biệt trên các trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu. Hàng hóa thường được nhập theo đường tiểu ngạch, xách tay hoặc không rõ nguồn gốc...
Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Thứ hai, khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là đối với quá trình kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể.
Thứ ba, đối với các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chào bán trên các website thương mại điện tử hoặc các sàn thương mại điện tử thường có giá bán, giá niêm yết thấp hơn nhiều so với hàng thật, hàng hóa không khó để nhận biết. Hoặc có những sản phẩm được bán với giá cao như hàng thật nhưng không có bảo hành, chỉ được giới thiệu là hàng xách tay nhưng người mua vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng chuyển khoản chờ nhận hàng. Chính sự dễ dãi, dễ chấp nhận của một bộ phận người tiêu dùng hình thành nên có cầu có cung, mặc nhiên tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.
Thứ tư, thực tế là số lượng website thương mại điện tử, tài khoản bán hàng trên mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT rất nhiều và đa dạng, gần như không thể nắm bắt được. Một số đối tượng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ, thu hồi tên miền nên vẫn mặc nhiên hoạt động vì lợi nhuận thu được là rất lớn so với chế tài xử phạt. Với nhiều trường hợp bán hàng qua Facebook, Zalo hoặc các sàn giao dịch TMĐT đã bị xử lý gỡ bỏ nhưng ngay lập tức đối tượng vi phạm lại lập một tài khoản khác gần tương tự và tiếp tục bán hàng với cách thức quy mô tinh vi hơn.
Ngoài ra, còn có hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, bán hàng trực tiếp để thu hút người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Hằng năm, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đều xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT: Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Hà Nội, các cơ quan công an, các cơ quan truyền thông, phóng viên và các doanh nghiệp chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, các tổ chức,cá nhân chủ sở hữu trang thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về TMĐT. Đồng thời, thông qua đó tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân không kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật.
Kết quả, với sự hỗ trợ của một số sàn TMĐT như Shopee, Lazada đã cung cấp thông tin một số đơn vị bán hàng vi phạm và gỡ bỏ được những đối tượng này.
16:04 08/06/2023
Đã hỗ trợ, cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho hơn 3.300 cơ sở
Vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một xu thế tất yếu và là quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng là cách tạo được sự minh bạch, rõ ràng thông tin và niềm tin với người tiêu dùng. Cung cấp thêm một số thông tin về công tác này tại Hà Nội, nhất là trong việc đưa sản phẩm tham gia “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa" của thành phố, ông Hà Tiến Nghi, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên thế giới việc truy xuất nguồn gốc rất được quan tâm, trở thành quy định bắt buộc với các nước.
Những năm qua, Việt Nam đã quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônđã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNN quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Với thành phố Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã rất chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản. Hiện nay, các cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã và đang được tiếp cận hai hình thức truy xuất nguồn gốc: Sử dụng bản in và hệ thống điện tử.
Ông Hà Tiến Nghi cho biết thêm, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội xây dựng các module quản lý cho ba Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 30 quận, huyện, thị xã; 2 chợ đầu mối nông sản loại 1 trên địa bàn thành phố. Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia hệ thống cho hơn 3.300 cơ sở với hơn 12.800 bộ mã truy xuất nguồn gốc. Trong đó, có hơn 2.000 sản phẩm của hơn 400 cơ sở từ 46 tỉnh, thành phố, hiện đang tiêu thụ trên thị trường Hà Nội.
15:58 08/06/2023
Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa
Cùng với đầu tư công nghệ, một số doanh nghiệp cho biết vẫn rất lúng túng trong xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đáp ứng thông lệ quốc tế, mà đây lại là đòi hỏi sống còn trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn và nước ta đang ký kết rất nhiều hiệp định thương mại. Ông Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa có Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng hàng hóa quy định chi tiết về chất lượng sản phẩm.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc lựa chọn sử dụng áp dụng tiêu chuẩn nào là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, đây cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc lựa chọn các tiêu chuẩn sẵn có, doanh nghiệp có thể nghiên cứu để xây dựng tiêu chuẩn riêng có của doanh nghiệp dựa trên cơ sở sẵn có, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.
Việt Nam có nền kinh tế có độ mở lớn, đã và đang ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những chủ trương nhất định trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN, hiện đã có hơn 60% TCVN hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế.
Khi các doanh nghiệp dựa trên hệ thống TCVN để xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tương đương của khu vực và quốc tế. Ví dụ, trong lĩnh vực thiết bị điện, bộ tiêu chuẩn TCVN đang được sử dụng đạt 90% bộ tiêu chuẩn hóa quốc tế và châu Âu. Khi áp dụng toàn bộ bộ tiêu chuẩn đó thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin đưa hàng hóa ra thị trường thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp về năng suất và chất lượng hàng hóa, đối với các bộ, ngành, địa phương, thì Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các cộng đồng doanh nghiệp. Tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa.
15:41 08/06/2023
Kết hợp sản phẩm văn hóa với các sản phẩm thương mại để hút khách du lịch
Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch thành phố Hà Nội cho biết, với chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất UBND thành phố Hà Nội ban hành các chính sách thu hút về đầu tư, thương mại và du lịch, Trung tâm đã bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, các sở, ngành, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thời gian qua, Trung tâm tổ chức thường xuyên tại các quận, huyện các tuần hàng quảng bá nông sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại du lịch tại các huyện Mỹ Đức, Hoài Đức thông qua các hoạt động “Happy Tết”, với đối tượng tham gia là chủ thể OCOP. Trung tâm cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đón các doanh nghiệp tiêu biểu của các nước, các Việt kiều về tham quan, mua sắm, để họ có các trải nghiệm đối với sản phẩm của chúng ta. Trung tâm thường lồng ghép các chương trình xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ, các làng nghề; kết hợp giữa các sản phẩm văn hoá với các sản phẩm thương mại để thu hút khách du lịch về địa phương.
Cũng trong 4 năm qua, Trung tâm đã phối hợp tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp tại các Trung tâm thương mại AeonMall, qua đó có hơn 500 doanh nghiệp tham gia với cơ hội quảng bá thương hiệu rất lớn.
15:36 08/06/2023
Đổi mới tiêu chí sản phẩm, dịch vụ tham gia
Với cương vị là đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ thêm về những hạn chế trong khâu tổ chức việc bình chọn, và thời gian tới, công tác này sẽ được đổi mới, nhất là việc nâng cao hơn nữa các tiêu chí xét chọn, cách thức để thu hút người dân bình chọn, đánh giá một cách thực chất nhất.
Ngoài ra, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong khâu tổ chức bình chọn, như: Số lượng doanh nghiệp có đủ tiêu chí tham gia luôn tăng trưởng hằng năm nhưng tỷ lệ chưa cao; số lượng doanh nghiệp lớn và có uy tín tham gia bình chọn còn hạn chế; hoạt động về chuyển đổi số, đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bình chọn đã được thực hiện nhưng cần đẩy mạnh theo xu hướng phát triển của thị trường, việc triển khai bình trọn trực tuyến trên website chương trình, fanpage nhưng người tiêu dùng tham gia chưa cao.
Thời gian tới, công tác tổ chức cần thay đổi nhằm tối ưu hóa. Trong đó, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; tăng cường truyền thông, quảng bá Chương trình trên phương tiện truyền thông tại các quận, huyện… để tạo hiệu ứng cho Chương trình, đặc biệt là tập trung vào truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt.
Đáng chú ý, cần đổi mới trong công tác tổ chức về tiêu chí sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia, trong đó ưu tiên sản phẩm mới để qua đó thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, năm 2023, nếu doanh nghiệp đăng ký tham gia 1 sản phẩm thì đó phải là sản phẩm mới; 2 sản phẩm thì phải có ít nhất 1 sản phẩm mới; 3 sản phẩm thì phải có ít nhất 2 sản phẩm mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.