Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục toàn cầu trước tác động của dịch Covid-19: Hậu quả sẽ còn kéo dài

Minh Hiếu| 07/08/2021 07:07

(HNM) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm đảo lộn mọi hoạt động của đời sống xã hội trên toàn thế giới và giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Hậu quả của “đợt sóng thần” Covid-19 đối với học sinh cũng như đối với lĩnh vực giáo dục nói chung chắc chắn sẽ còn kéo dài và cơ hội quý báu để tiếp cận giáo dục càng trở nên khó khăn với nhiều trẻ em ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.

Đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến học sinh trên toàn thế giới.

Kết quả khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tiến hành đối với 142 quốc gia và được công bố hồi tháng 7 vừa qua cho thấy, khoảng 40% các quốc gia vẫn chưa có kế hoạch thực hiện các chương trình đo lường hậu quả của dịch Covid-19 đối với học sinh để giúp các em bắt kịp với việc học tập sau khi trường học phải đóng cửa nhằm phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, chỉ có 1/3 số quốc gia, chủ yếu là các nước thu nhập cao, đã thực hiện các phương pháp đo lường tổn thất liên quan đến việc học tập ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Giám đốc Viện Thống kê của UNESCO Silvia Montoya cho rằng, việc đo lường mất mát trong học tập là bước quan trọng để giảm thiểu hậu quả của nó. Các quốc gia phải quan tâm đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp.

Theo báo cáo của UNESCO, việc hơn 190 quốc gia thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại đã gây ảnh hưởng ở mức độ nhất định tới hầu hết các học sinh, sinh viên và giáo viên trên toàn thế giới. Trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em mất đi cơ hội tương lai của mình càng tăng lên. Ước tính sẽ có 24 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ học, hơn 100 triệu trẻ em có nguy cơ không đạt được trình độ đọc, viết thông thạo tối thiểu do sự gián đoạn của giáo dục.

Trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được thực hiện để ứng phó với làn sóng lây lan của đại dịch, giải pháp lựa chọn được đưa ra đối với dạy và học là tiếp cận từ xa, trực tuyến và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Trưởng bộ phận giáo dục toàn cầu của UNICEF Robert Jenkins cho rằng, học từ xa là công cụ hỗ trợ nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa. Mặc dù vậy, khả năng tiếp cận giáo dục qua công nghệ thông tin không phải là đồng đều, khiến nhiều học sinh phải đối mặt với những thách thức và nguy cơ bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa.

Theo Cơ quan giám sát Ofcom (Anh), khoảng 9% số trẻ em ở Anh không có máy tính xách tay, máy tính để bàn hay máy tính bảng tại nhà và 880.000 em sống trong gia đình chỉ có duy nhất một kết nối internet từ điện thoại di động. Nghiên cứu mạng internet toàn cầu cho thấy, chỉ 24% hộ gia đình tại Ấn Độ có kết nối internet ổn định. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Ấn Độ có tỷ lệ trẻ em tiểu học nhập học cao, nhưng việc đóng cửa trường học quá lâu dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng. Một số gia đình không đủ khả năng chi trả học phí cùng với gánh nặng mưu sinh khiến con em họ buộc phải dừng việc học.

Các cơ quan của Liên hợp quốc đang gấp rút xây dựng khuôn khổ về cách thức mở cửa lại trường học, hướng tới mục tiêu đưa trẻ em trở lại môi trường học tập hiệu quả nhất. Khoảng 40% các quốc gia đã kéo dài năm học và dành ưu tiên cho một số chương trình giảng dạy nhất định. Triển khai các chương trình phục hồi học tập, bảo vệ ngân sách giáo dục và chuẩn bị tốt cho những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai là những giải pháp cốt lõi được các chuyên gia đưa ra nhằm ứng phó trước tác động tiêu cực đối với giáo dục khi cuộc chiến chống dịch vẫn còn nhiều cam go.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục toàn cầu trước tác động của dịch Covid-19: Hậu quả sẽ còn kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.